Sút luân lưu: Không hề là chuyện may rủi
Có hai điều có thể rút ra từ trận đấu đó. Thứ nhất, bạn không cần bàn thắng mới có một trận đấu đẹp. Thứ hai, sút phạt đền là cách tuyệt vời để phân định thắng thua sau giờ đấu chính bất phân thắng bại, với tất cả kịch tính và sự khó đoán của những quả luân lưu.
Tất nhiên, không phải trận đấu nào kết thúc bằng sút luân lưu cũng tuyệt vời và những trận đấu tuyệt vời không nhất thiết là phải đi tới luân lưu, nhưng tối thứ Năm thực sự là một màn trình diễn của những quả đá 11 mét. TBN và Ý đã thể hiện các loạt sút của họ mẫu mực như sách giáo khoa, một sự phản bác thẳng thừng với với những ai vẫn cho rằng đá phạt đền chỉ là trò may rủi. Xác suất sẽ xác định thành bại của các quả penalty và những đội vào cuộc với tâm lý rằng đó chỉ là trò xổ số thường sẽ là đội thua cuộc.
Sir Clive Woodward, một HLV bóng bầu dục nổi tiếng ở Anh, từng tuyên bố rằng ông có thể huấn luyện các cầu thủ bóng đá sút thành công 99 trong 100 quả phạt đền. Lập luận này có chỗ dứng ở chỗ các cầu thủ đá hỏng phạt đền thường là do tâm lý, thiếu tập trung hay quá căng thẳng. Cách tốt nhất để ổn định tâm lý là rèn luyện kỹ thuật.
Giống với cách những tay golf giỏi nhất thực hành với các gậy đẩy ngắn, các cầu thủ cần được huấn luyện đá phạt đền sao cho điều đó trở thành một quá trình mang tính máy móc, một hành động mà họ không cần phải suy xét nhiều khi thực hiện, chỉ đơn giản là đưa bóng vào lưới. Lòng tin rằng họ sẽ làm được như vậy sẽ lại càng củng cố khả năng thành công của các cầu thủ.
Tối thứ Năm, mỗi bên đá phạt đền đều đối mặt với một trong những thủ thành xuất sắc nhất thế giới sau 120 phút thi đấu căng thẳng trong điều kiện thời tiết ẩm ướt đến mức các bình luận viên BBC thậm chí không thể nói xong một câu mà không đề cập tới thời tiết, mỗi cầu thủ TBN và Ý cho tới tận Leonardo Bonucci đã thực hiện rất tốt phần việc của họ.
Đó có lẽ là màn đá luân lưu ngầu nhất kể từ chiến thắng của Ý ở chung kết World Cup 2006 và chiến thắng của Zambia ở giải vô địch châu Phi 2012. Các pha sút luân lưu của những cầu thủ Zambia còn đáng học hỏi hơn, bởi họ đã thực hiện lựa chọn mạo hiểm nhất, sút lên góc cao khung thành thay vì sút sệt và cơ sở khác thường cho thành công của họ là điều mà có lẽ chưa đội bóng nào từng trải nghiệm.
Các câu chuyện bối cảnh luôn rất hấp dẫn trong các pha sút luân lưu. Chiến thắng của Anh trước TBN ở Euro 96 là nhờ vào sự chuộc lỗi của Stuart Pearce. Antonin Panenka đi vào huyền thoại năm 1976 vì trước ông chưa ai dám làm vậy. Còn với Chelsea trong thất bại ở chung kết Champions League 2008, mọi người sẽ nhớ mãi cú trượt ngã của John Terry, giống như việc nhớ mãi pha sút quyết định của Didier Drogba năm ngoái.
Cú sút lừng danh của Antonin Panenka
Rồi có những cú phạt đền mà kẻ gây tội ác trở thành người hùng, như Harald Schumacher ở bán kết World Cup 1982, do thủ thành Tây Đức lẽ ra không có mặt trên sân để cản được 2 quả phạt đền do đã có pha vào bóng ác ý khiến Patrick Battiston của Pháp bất tỉnh nhân sự trong giờ đá chính.
Hay ở tứ kết World Cup 2010, khi Luis Suarez có pha chơi bóng bằng tay nổi tiếng ở phút cuối cùng và Asamoah Gyan sút hỏng quả phạt đền. Gyan đã cho thấy tinh thần thép của anh bằng cách sút thành công quả đầu tiên ở loạt luân lưu sau đó, nhưng Uruguay vẫn chiến thắng.
Kịch bản luân lưu chán nhất có lẽ là khi quả đầu sút hỏng nhưng mọi quả sau đó đều thành công, như ở trận chung kết Cúp C1 1991 khi pha bỏ lở đầu tiên của Manuel Amoros cho Marseille đảm bảo với Sao Đỏ Belgrade rằng chiến thuật kéo dài thời gian tới chấm luân lưu của họ đã phát huy tác dụng.
Ngược lại, kịch bản gay cấn nhất là khi bạn tự hỏi không biết ai sẽ đá hỏng. Một ví dụ như thế là ở tứ kết giải vô địch châu Phi 2006 giữa Cameroon và Bờ Biển Ngà khi mọi cầu thủ, bao gồm cả 2 thủ môn, ghi bàn từ chấm luân lưu trước khi Samuel Eto’o đá hỏng quả thứ 2 của anh và Drogba sút thành công ấn định tỉ số phạt đền 12-11, vượt qua kỷ lục trước đó, cũng của Bờ Biển Ngà khi họ đánh bại Ghana trong trận chung kết 1992 với tỉ số phạt đền 11-10.
Ngược lại, chúng ta cũng có những kịch bản mà không biết bao giờ mới có người sút thành công, đáng nhớ nhất là ở chung kết Cúp C1 1986 khi Helmuth Duckadam đẩy ra cả 4 quả phạt đền của Barcelona để mang về chức vô địch lịch sử cho Steaua Bucharest.