Những kẻ thù của Galactico: Truyền thống lá cải & Văn hóa "ma cũ"
Trong chuyên mục “Cầu thủ bí mật” trên tờ Guardian, một cầu thủ đã từng chơi bóng đỉnh cao ở Premier League nhiều năm kể lại về mối quan hệ giữa giới quần đùi áo số và truyền thông nước Anh: “Một người bạn của tôi đang điều hành một trong những tạp chí buôn chuyện lớn hàng tuần nói với tôi rằng ấn phẩm của cô ấy sẽ làm mọi cách để đặt David và Victoria Beckham lên trang bìa hàng tuần. Doanh số bán hàng của các tạp chí sẽ tăng lên, bất kể câu chuyện là gì. Thực tế, nếu không tìm ra được một câu chuyện có thực, họ đơn giản là sẽ “bịa” ra một chuyện nào đó”.
Thời còn ở Inter Milan, Ronaldo “béo” có thể đi chơi hàng đêm với Christian Vieri, chỉ chợp mắt vài tiếng trước khi đến sân tập, và đó được coi là chuyện bình thường ở Italia: “Cậu ta quá giỏi nên chẳng cần tập luyện” - như lời Vieri. Cristiano Ronaldo có thể “vui vẻ” với gái gọi mà không phải quá lo về việc câu chuyện ấy có thể chình ình trên một tờ báo TBN vào một ngày đẹp trời nào đó.
Robinho đã sa sút và sau đó quyết định rời nước Anh để trở lại Italia chỉ vì nhất cử nhất động của anh đều bị “soi” kỹ hơn bình thường, và với một cầu thủ ham vui như anh, thì việc trở thành chủ đề bàn tán trên báo mỗi ngày là áp lực rất lớn.
Nhưng đó chưa phải là điều khủng khiếp nhất có thể khiến các ngôi sao cảm thấy sốc. Họ có thể sẽ phải đối mặt với thứ “văn hóa” cực kỳ quái đản trong phòng thay đồ của các CLB Anh, thứ “văn hóa” có thể nuốt chửng tự tin của người mới đến và tạo cho họ cảm giác rằng họ là đồ bỏ đi, chứ không phải một Galactico.
Robinho trong màu áo Man City
Trong nhiều năm, dưới sự cầm trịch của John Terry, Chelsea chào đón cầu thủ mới theo nhiều cách: Bắt anh ta đứng chịu trận trước một cơn mưa áo quần và bóng tập, hoặc lấy đinh đóng đế giày của “ma mới” xuống sàn, theo tiết lộ của tờ Independent.
Andriy Shevchenko, một ngôi sao rất được trọng vọng ở Italia và cập bến Stamford Bridge với giá 30 triệu bảng, đã phải bắt đầu cuộc phiêu lưu ở Chelsea bằng cách… hát một bài trước toàn đội trong một nhà hàng, khi Chelsea đi du đấu ở Mỹ. Sheva chọn bài “We are the Champions” (Chúng ta là nhà vô địch) của Queens, và thế là anh nhận đủ “gạch đá” từ các đồng đội mới.
Arjen Robben, rất độc mồm”, gọi đó là “một thứ hoàn toàn rác rưởi” (absolute rubbish). Một Galactico cũng sẽ bị đối xử ngang với một cầu thủ học việc, và ở Anh, người ta không can thiệp vào chuyện đó. Các ngôi sao nhận lương cao chót vót và họ buộc phải tự mình thích nghi.
Chelsea là một đội bóng phức tạp và những ngôi sao bản địa sẽ làm mọi cách để thử thách những ngôi sao ngoại quốc. Không phải ngẫu nhiên mà những tiền đạo săn bàn hàng đầu như Hernan Crespo, Fernando Torres và Shevchenko đều đánh mất hầu hết sự tự tin ở đây. Chỉ có những người thật sự mạnh mẽ mới có thể “sống sót”, và số đó thì không nhiều. Hãy tưởng tượng một ngày Lionel Messi tới đây, với cái vẻ nhu mì nhút nhát và cá tính mờ nhạt thường thấy. Anh sẽ bị đè bẹp ở Stamford Bridge.