Những góc khuất tối tăm của bóng đá Brazil: 16.000 cầu thủ thất nghiệp
ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC XÓA SỔ BÊN THỨ BA
85% các đội chuyên nghiệp ở Brazil đã không hoạt động trong 6 tháng của năm nay, khiến 16.000 cầu thủ thất nghiệp, và cả nền tảng bóng đá nước này đang lung lay dữ dội. Một lý do quan trọng là UEFA đã cấm việc sở hữu của bên thứ ba với cầu thủ, trong khi FIFA đang cân nhắc điều đó trên phạm vi toàn cầu.
Ở Brazil, cầu thủ bóng đá là món hàng xuất khẩu quan trọng, và châu Âu là thị trường béo bở nhất. Cho tới giờ, hầu hết các CLB ở nước này, ngay cả tại giải hạng cao nhất, đều sống dựa vào những khoản tiền từ các nhà đầu tư muốn được sở hữu một phần các cầu thủ, như một món đầu cơ với hy vọng ngày nào đó sẽ bán được anh ta với giá thật cao sang châu Âu.
Lệnh cấm của UEFA, và có thể cả của FIFA, đòi hỏi một cuộc cách mạng thật sự với bóng đá Brazil. Lệnh cấm được đưa ra sau cuộc điều tra của một ủy ban FIFA với những vụ chuyển nhượng cầu thủ gây tranh cãi trong thời gian qua, Marcos Rojo tới Man United và Neymar tới Barcelona.
Dù đã bị cấm ở châu Âu, ở Brazil hơn 80% các cầu thủ chuyên nghiệp không hoàn toàn thuộc sở hữu CLB của họ. Hầu hết họ đều có “các lợi ích kinh tế” được chia năm xẻ bảy và bán như những miếng bánh pizza cho bất cứ ai có tiền và muốn đầu tư.
Kiểu sở hữu bên thứ ba này gây ra rất nhiều vấn đề “đạo đức bóng đá”, bao gồm khả năng dàn xếp tỉ số, rửa tiền và xung đột lợi ích. Nhưng ngay cả loại trừ các rủi ro đó, vẫn còn một điều rất đáng tiếc không thể thay đổi: tiền chuyển nhượng cầu thủ sẽ rời bỏ bóng đá.
Sở hữu bên thứ ba lan tràn ở Brazil vì vị thế tài chính yếu ớt của các CLB, bắt đầu từ những năm 1990. Nhà báo Brazil Martin Fernandez từng viết một phóng sự về việc 7 CLB khác nhau ở giải hạng Nhất Brazil mời các quỹ đầu tư tới để “đấu giá” lợi ích kinh tế của các cầu thủ trẻ triển vọng nhất của họ, “như thể thời buôn bán nô lệ”. Làm như thế, những đội bóng đã bóc ngắn cắn dài, và cơn bão hiện giờ là một hệ quả tất yếu.
MỘT HỆ THỐNG LỖI THỜI VÀ BẤT TIỆN
Ngay cả trước đó, bóng đá ở Brazil đã không vận hành đúng với tiềm năng rất lớn của họ. Lịch thi đấu lỗi thời, kỳ quặc và rất bất tiện. Các CLB lớn chơi đủ thứ trận đấu vô nghĩa, có thể lên tới 85 trận trong một năm lịch. Họ thậm chí không có thời gian cho các cầu thủ trở về với ĐTQG, tức là những tuyển thủ quốc gia nào chơi bóng ở Brazil về phục vụ quê hương (bao gồm cả Brazil), sẽ phải bỏ lỡ các trận chính thức của CLB.
Sự rộng lớn về mặt địa lý khiến sức ảnh hưởng của các CLB lớn với LĐBĐ Brazil (CBF) cũng rất hạn chế. Brazil có 27 bang, mỗi bang có một giải vô địch riêng, và sức mạnh của CBF là ở chủ tịch của LĐBĐ mỗi bang đó. Hệ quả là cả hệ thống dựa trên rất nhiều CLB nhỏ, với rất ít CĐV, còn các đội lớn có tiếng nói hạn chế.
Với chủ tịch LĐBĐ các bang, doanh thu và uy tín của họ bắt nguồn từ giải vô địch bang, thường diễn ra từ tháng 1 tới tháng 5, khi các CLB lớn lãng phí thời gian của họ trong một lịch thi đấu dày đặc với những đội vô danh. Hiện giờ, trong số 684 CLB chuyên nghiệp có đăng ký của Brazil, 583 đội đã không hoạt động tối thiểu là 6 tháng, với khoàng 16.000 cầu thủ thất nghiệp.
Tình thế có thể sẽ khiến các đội lớn muốn làm như ở Anh hồi năm 1992: tách ra và tự thành lập giải riêng của họ. Một giải đấu như thế có tiềm năng rất lớn, như lời Jose Luiz Portella, một phóng viên bóng đá nổi tiếng ở Brazil: “Chỉ cần 5-6 CLB lớn nhất ngồi lại sắp xếp thể thức, cách tổ chức và lịch thi đấu, nền bóng đá của chúng ta sẽ hoàn toàn khác”.
Cho tới giờ thì các CLB lớn ở Brazil đã rất thụ động. Chỉ những cầu thủ là nỗ lực. Nhiều người kỳ cựu từng thi đấu ở châu Âu hiểu rõ cách bóng đá vận hành ở đó cũng như những yếu kém của bóng đá Brazil và muốn thay đổi, nhưng vấn đề vẫn là ở những đội bóng đại gia. “Nếu các CLB muốn”, Portella viết. “Bóng đá sẽ thay đổi. Nhưng họ không muốn”.
KHÔNG PHẢI CẦU THỦ NÀO CŨNG LÀ NEYMAR
Tình thế hiện giờ cũng khiến sự bất bình đẳng trong bóng đá Brazil ngày càng lớn. Cứ 10 cầu thủ chuyên nghiệp đang chơi bóng ở nước này thì 8 người kiếm được dưới 650 USD mỗi tháng.
Đội hình 23 người của Brazil tham dự World Cup 2014 vừa rồi, dù thua tan nát, là đắt giá nhất giải đấu (được hãng tư vấn tiếp thị thể thao Pluri định giá 700 triệu USD). Câu chuyện về những cậu bé sinh ra trong nghèo khó, vượt lên hoàn cảnh và trở thành các ngôi sao triệu phú, như Dani Alves hay Neymar, đã tạo cảm hứng cho hàng triệu trẻ em Brazil tiếp bước họ. Tuy nhiên, có một vấn đề nho nhỏ.
“Với những ai đủ tài năng và may mắn, bóng đá chắc chắn là cách thoát ra khỏi nghèo khó, nhưng chỉ một số rất ít thành công”, Luis Fernando Restrepo, phóng viên thể thao của đài DirecTV nói. Số rất ít đó, có thể kiếm được nhiều hơn 20 tháng lương tối thiểu ở Brazil mỗi tháng (6.380 USD) chỉ chiếm 2% trong gần 31.000 cầu thủ chuyên nghiệp có đăng ký ở nước này năm 2012. Gần 25.000 cầu thủ (82%) có thu nhập hàng tháng thấp hơn 2 tháng lương tối thiểu (638 USD). Tính toàn bộ lực lượng lao động, con số đó chỉ là 68%, tức là cầu thủ Brazil thực ra nghèo hơn, chứ không giàu hơn, so với những nghề khác trong xã hội.
Các cầu thủ cũng không được đối xử tốt như những người làm ở các nghề lao động khác. Khoảng 80% các cầu thủ thất nghiệp tối thiểu 6 tháng mỗi năm, khi các giải vô địch bang không diễn ra. “Vì lịch thi đấu đó, nhiều cầu thủ chỉ ký các hợp đồng ngắn hạn. Khi họ hết hợp đồng, họ phải ra đường, không hề có bảo hiểm thất nghiệp”, Rinaldo Martorelli, một cựu thủ môn hiện là luật sư và chủ tịch Hiệp hội các VĐV bóng đá chuyên nghiệp liên bang Brazil (Fenapaf), nói. Không thành được Neymar, tệ hơn, các cầu thủ cũng không thể làm những nghề khác vì họ không học hành tử tế như những người bình thường.
Các CLB chẳng thể làm tốt hơn khi họ đang túng bấn. Một ủy ban của quốc hội Brazil ước tính 25 đội bóng hàng đầu nước này đang mắc nợ tổng cộng 1,5 tỉ euro, lớn hơn nhiều so với thu nhập một năm của họ. Những đội bóng lớn, như Botafogo và Vasco da Gama ở Rio, đều gặp vấn đề trong việc trả lương đúng hạn trong vài tháng gần đây. Bóng đá vì thế ngày càng xuống cấp.
Tình yêu bóng đá ở Brazil là không thể tranh cãi, nhưng họ chỉ xếp thứ 18 trên toàn thế giới về lượng khán giả trung bình tới sân, kém cả Australia hay Mỹ. Ở giải VĐQG, chỉ 13.000 CĐV tới sân mỗi trận, và ở các giải bang chỉ là 2.500 người mỗi trận. Chỉ 18.000 người tới xem trận đấu vào loại lớn nhất nước giữa Flamengo và Fluminense ở sân Maracana huyền thoại hồi tháng 2. Các CĐV nói giá vé quá cao, và những người giỏi nhất thì đã bỏ đi hết.
Các CLB Brazil có thể chơi 85 trận mỗi mùa ra sao?
Giải VĐQG: 38 trận
Giải vô địch bang Sao Paulo: 23 trận
Cúp QG Brazil: 8 trận
Libertadores: 16 trận (bao gồm 2 trận vòng sơ loại)
Tổng cộng: 85 trận (có thể là 87 nếu tính cả FIFA Club World Cup)