Đặc quyền môn thể thao vua
Trong khi đó, một VĐV nổi tiếng khác của Vương quốc Anh là ngôi sao quần vợt Andy Murray chỉ đạt 2,73 triệu người theo dõi. Bóng đá và tennis là 2 môn thể thao được yêu mến nhất nước Anh, một phần là vì đây là những môn mà người Anh thường thất bại nhiều hơn hẳn thành công.
Nếu so về tài năng, đẳng cấp và thành công, Andy Murray phải hơn Wayne Rooney. Năm 2012, Murray là tay vợt nam của Anh đầu tiên kể từ năm 1936 đoạt được danh hiệu Grand Slam. Cũng trong năm đó, Murray làm cả nưóc Anh nở mày nở mặt khi đoạt HCV đơn nam quần vợt tại Olympic diễn ra ở London. Năm 2013, Murray vô địch Wimbledon, giải Grand Slam danh giá nhất thế giới. Murray cũng là người duy nhất đủ khả năng thách thức bộ ba huyền thoại của tennis nam thế giới (Federer – Djokovic – Nadal). Murray có tài và đã chứng tỏ được tài nghệ của mình ở tầm cao nhất. Trong khi đó, ở hai đỉnh cao nhất của sự nghiệp cầu thủ, Rooney không là số 1 ở Quỷ đỏ. Năm 2008, khi M.U đoạt cú đúp Champions League và Premier League, ngôi sao số 1 là Cristiano Ronaldo. Năm 2013 là lần cuối Quỷ đỏ vô địch Ngoại hạng Anh, cầu thủ nổi nhất là Vua phá lưới Robin van Persie.
Ở tầm CLB, Rooney còn giành được một số thành công nhờ “ăn ké” M.U, nhưng ở tầm đội tuyển tiền đạo này chủ yếu gây thất vọng. Nhưng Rooney vẫn là VĐV nổi tiếng nhất nước Anh, anh hài lòng, tự hào vì điều đó khi lên tiếng kêu gọi các fan của mình trên Twitter hãy tăng thêm đông đảo hơn nữa bằng cách tổ chức một cuộc thi dành cho fan, người chiến thắng sẽ được một chiếc áo số 10 của Rooney tại M.U, tất nhiên có kèm chữ ký chính chủ.
Bóng đá quả có sức lan tỏa rộng rãi ở nước Anh, đến mức số fan của Rooney trên Twitter cao gấp hơn 12 lần so với Thủ tướng Anh David Cameron (0,81 triệu người theo dõi). Đó chính là đặc quyền của môn thể thao vua ở xứ sương mù. Một nghịch lý mà nhà báo thể thao nổi tiếng của Mỹ Rick Reilly từng so sánh: “David Cameron đem lại nhiều lợi ích cho người dân Anh hơn hẳn niềm vui từ bóng đá do Rooney và đội tuyển Anh mang lại, nhưng ông có làm việc cả đời cũng chẳng bằng lương một năm của Rooney”.
Ở nước Anh, người ta chấp nhận các cầu thủ bóng đá như là những đứa con hư được nuông chiều đến mức phi lý trong các gia đình cự phú. Những cầu thủ có chút tài năng đã được tâng bốc là Ronaldo mới, Messi mới hoặc cũng đôi khi là Rooney mới. Thành tích nghèo nàn của đội tuyển Anh ở các giải lớn cũng chẳng làm giới hâm mộ quay lưng với Tam sư, nên tội gì Rooney và đồng đội phải cố gắng, tự xét bản thân cần làm gì để đền đáp lại những đặc ân được hưởng?! Bóng đá Anh rất giàu, FA cũng giàu nhưng tiền rừng bạc bể đôi khi lại là con dao hai lưỡi. Khó khăn trăm bề trui rèn ý chí và cấu thành kết quả, vì thế CHDCND Triều Tiên mới vào tứ kết World Cup 1966. Thành tích đó đáng khen hơn hẳn tuyển Anh vô địch thế giới năm 1966 trên đất nhà một phần nhờ bàn thắng “ma” của Geoff Hurst. Đó cũng là đỉnh cao duy nhất của Tam sư, nhưng không được xem là nghĩa vụ, bổn phận, mục tiêu của các thế hệ nối tiếp bởi nước Anh hài lòng vì luôn có một đội tuyển bóng đá với mẫu ngôi sao kiểu Rooney, chứ không cần một đội mạnh có khả năng tranh chấp danh hiệu với những đội tuyển hàng đầu thế giới như Đức, TBN, Italia, Brazil, Argentina, Hà Lan, Pháp…