Những cánh chim lạ giữa trời World Cup
TỪ BÓNG TỐI RA ÁNH SÁNG…
Trước thềm World Cup 1986, Brown không có CLB. Vào ngày thứ Hai hàng tuần, anh tập với ĐT Argentina. Những ngày còn lại, anh phải tự tập, khi các tuyển thủ Argentina trở về với CLB của họ. Thật ra, hợp đồng với CLB Nacional ở Colombia khi ấy vẫn còn, nhưng nếu Brown gắn bó với CLB thì anh không thể tập với ĐTQG.
Vì đồng lương còm cõi, cũng vì bản thân Brown chẳng có vai trò quan trọng gì ở CLB Nacional, nên anh... bỏ phứt. Cứ thế, nỗ lực của Brown được HLV Carlos Bilardo ghi nhận và anh được cấp một suất... dự bị cho danh thủ Daniel Passarella. Cuối cùng, vì mâu thuẫn với Passarella, HLV Bilardo bỏ luôn hậu vệ lừng danh ấy và dùng Brown ở World Cup một cách quyết đoán. Phần tiếp theo của câu chuyện là cả một lịch sử. Nhưng sau World Cup 1986, đâu lại vào đấy: Brown rơi vào quên lãng.
Hầu như kỳ World Cup nào cũng xuất hiện một vài “cánh chim lạ” như trường hợp vừa nêu của Jose Luis Brown. Tại World Cup 1982, ngay cả giới hâm mộ Bắc Ireland cũng không dễ biết Norman Whiteside. Lần đầu tiên khoác áo ĐTQG, Whiteside lập tức xô ngã... tượng đài Pele, trở thành cầu thủ trẻ nhất từng ra sân ở đấu trường World Cup (kỷ lục đứng vững đến tận bây giờ).
Trước đó, Whiteside chỉ mới thi đấu 2 trận chính thức cho CLB M.U! Nhưng Whiteside đã góp công quan trọng giúp Bắc Ireland làm nên chuyện: vượt qua vòng bảng World Cup bằng trận thắng lịch sử trước đội chủ nhà TBN!
Salvatore Schillaci
Trong suốt sự nghiệp, Salvatore Schillaci chỉ có 16 lần khoác áo ĐTQG, trong vòng chưa tới 2 năm (1990-1991). Nhưng anh chính là “Vua phá lưới” của World Cup 1990. World Cup 1986 có Josimar, bất ngờ xuất hiện giữa rừng sao Brazil và ghi được bàn thắng không thể tưởng tượng vào lưới Ba Lan.
Tại World Cup 1990, thủ môn Sergio Goicoechea từ bóng tối bước ra và vụt sáng, trở thành thủ môn xuất sắc nhất giải, đưa đoàn quân rệu rã Argentina vào đến chung kết bằng tài bắt 11m. Gần đây, ít người biết Fabio Grosso là ai, khi hậu vệ này tỏa sáng trong đoàn quân vô địch World Cup 2006 của Italia. Còn trong đội hình vô địch World Cup 2002, Brazil giới thiệu một cặp tiền vệ lạ hoắc trong vai trò lá chắn giữa sân: Gilberto Silva và Kleberson...
… NHỜ MẮT XANH CỦA NGƯỜI CẦM QUÂN
Điểm chung đầu tiên: tất cả đều thuộc mẫu cầu thủ vô danh trước khi xuất hiện ở đấu trường World Cup. Điểm chung quan trọng hơn: họ đều tỏa sáng một cách bất ngờ. Và điểm chung đáng suy nghĩ nhất: đa số lại chìm vào quên lãng sau kỳ World Cup thành công ấy.
Chính cái chi tiết sau cùng này nói lên cách nhìn người và cách dùng người xuất sắc của các HLV đã sử dụng họ. Xin được lưu ý, chúng tôi không nói về dạng “thần đồng”, tỏa sáng ngay trong lần đầu tham dự World Cup và sau đó vươn hẳn lên đẳng cấp cao như Michael Owen hoặc Thomas Mueller. Họ là những ngôi sao đích thực, chỉ chờ dịp ra mắt để khẳng định mình.
Ngược lại, sự mờ nhạt sau khi gây bất ngờ tại World Cup cho thấy những Schillaci, Gilberto Silva, Kleberson, Whiteside, Brown, Josimar, Goicoechea... thực chất chỉ ở đẳng cấp bình thường, không tương xứng với thành công vang dội của họ ở đấu trường World Cup. Chọn những cầu thủ như thế vào đội hình chính đã là quyết định can đảm của giới cầm quân. Nhìn ra được ưu điểm riêng của họ và biến được ưu điểm ấy thành chiến thắng càng là kỳ công, rất đáng khâm phục.
Trước thềm World Cup 2014, đã có những cái nhíu mày khi HLV Felipe Scolari gọi Henrique vào ĐT Brazil. Gần 28 tuổi, anh chỉ mới được khoác áo Selecao 4 lần, đều là các trận giao hữu chẳng ai nhớ đến. Đấy chỉ là một ví dụ.
Chúng ta không nhất thiết phải điểm danh đầy đủ những cánh chim lạ trên bầu trời World Cup 2014, vì thật ra chưa có danh sách chính thức. Vấn đề đặt ra: World Cup 2014 sẽ lại giới thiệu mẫu người hùng bất chợt, đến rồi lại đi, như những lần giải trước đây? Nếu có, trước tiên đấy là do tài nhìn người của giới cầm quân