Lăng kính: Phải dám ước mơ
Truyện tranh “Đội trưởng Tsubasa” được xuất bản lần đầu tiên cách đây 33 năm, được tái bản không biết bao nhiêu lần và dịch ra (chính thống và... dịch lậu) vô số thứ tiếng. Bộ manga này ra đời vào thời buổi mà người Nhật gọi là “mùa đông bóng đá” bởi khi ấy dân Nhật rất thờ ơ với môn thể thao vua. Phải 13 năm sau khi tập đầu tiên của Tsubasa được xuất bản, giải vô địch bóng đá Nhật Bản (J-League) mới chính thức ra đời vào năm 1993.
Bộ truyện huyền thoại ấy đã tạo ra một hiệu ứng xã hội khủng khiếp. Sau khi dõi theo cuộc phiêu lưu của những Tsubasa, Misaki, Kojiro, rất nhiều trẻ em Nhật Bản đã cất gậy bóng chày và tìm đến quả bóng. Hiệu trưởng các trường trung học đã phải ra cả nội quy: cấm tiệt các em thử tung người móc bóng như Tsubasa và nhái cú “đánh đầu đôi” của anh em nhà Tachibana.
Hiệu ứng của bộ truyện ấy còn lan đến cả những nước phương tây. Có rất nhiều cầu thủ ngôi sao thừa nhận họ đã hun đúc tình yêu bóng đá nhờ đọc bộ manga ấy. Trong số này có không ít những nhân vật từng vô địch thế giới: Zinedine Zidane, Alessandro del Piero, Francesco Totti, Andrea Pirlo. Nhờ bộ truyện mà Pirlo biết thế nào là việt vị. Khi còn đá cho đội trẻ, Del Piero lúc nào cũng xắn tay áo lên để bắt chước thần tượng của mình là nhân vật Kojiro, người được tác giả cho sang châu Âu khoác áo... Juventus. Fernando Torres thậm chí chỉ quyết tâm trở thành cầu thủ sau khi đã nghiện Tsubasa. Trong danh sách những “con nghiện” của bộ manga này, càng không thể bỏ qua cầu thủ số 1 của bóng đá đương đại Lionel Messi. Anh dốc bóng đến trường, ôm bóng đi ngủ, y hệt như nhân vật Tsubasa trên trang giấy.
Tất nhiên, Tsubasa cũng đã góp công không nhỏ trong sự phát triển của bóng đá Nhật Bản. Con đường thành công của Nhật, bóng đá học đường, đích thị là “chôm” từ bộ truyện tranh. Chỉ 5 năm sau khi J-League ra đời, Nhật Bản mang quân đến Pháp dự VCK World Cup đầu tiên, nhảy vọt lên vị trí thứ 9 trên BXH FIFA đấy thật sự là một câu chuyện cổ tích. Tên nhân vật chính Tsubasa có nghĩa là “đôi cánh lớn trên bầu trời” và nó đã thật sự chấp cánh cho cả một nền bóng đá non trẻ.
Non trẻ, nhưng không thiếu tham vọng. World Cup 2010, Nhật Bản lọt vào vòng 2, chỉ lỡ hẹn với tứ kết bởi loạt sút luân lưu trước Paraguay. Điều đó cho thấy Nhật Bản quả là có thực lực và tiềm năng to lớn, chứ không đơn thuần tiến xa hồi năm 2002 nhờ sân nhà, trọng tài và... rùa như Hàn Quốc. Và hẳn các bạn cũng còn nhớ, sau World Cup 2010 thì HLV Takeshi Okada của Nhật Bản đã từ chức. Lý do ông từ chức: vì mục tiêu ông đặt ra là bán kết, nhưng Nhật thì chưa vào được đến tứ kết.
Ước mơ là một chuyện, có dũng khí để thực hiện ước mơ ấy lại là một chuyện khác. Riêng việc này, thế giới đều phải nể Nhật Bản. Chỉ trong một thời gian ngắn, bóng đá Nhật đã có những bước tiến nhảy vọt, đã vượt qua những Saudi Arabia, Iran, Hàn Quốc và cả Australia để trở thành cường quốc số 1 tại châu Á. Trong cuộc luận kiếm này, hãy cùng chờ xem những “Thanh Y Samurai” sẽ mang đến những tuyệt chiêu gì.