Lionel Messi: Người thay đổi chân lý bóng đá
Hơn 400 năm trước, nhà thiên văn học người Italia, Galileo Galilei trở thành người đầu tiên chứng minh được mặt trời không quay quanh trái đất, mà ngược lại trái đất quay quanh mặt trời. Trước đó ngàn đời, quan niệm “mặt trời quay quanh trái đất” đã trở thành chân lý của nhân loại. Việc “cha đẻ của thiên văn học hiện đại” thay đổi được chân lý thiên văn học sai lầm trên là nhờ ông phát minh ra chiếc kính thiên văn hoàn chỉnh đầu tiên trong lịch sử, gọi là “Spyglass”.
Trước đó nữa, loài người còn quan niệm, trái đất là một mặt phẳng. Tuy nhiên, những nhà thiên văn học Hy Lạp cổ đại và sau này những nhà khoa học với những thiết bị hiện đại đã chứng thực, trái đất là một quả cầu như tất cả chúng ta đã biết ngày nay.
“Galileo của bóng đá”
Chân lý là do con người tạo ra, nó xuất hiện khi tất cả một nhóm người cùng thừa nhận một quan niệm nào đó. Nhưng chân lý chưa chắc đã phải sự thật và có thể thay đổi.
Trong bóng đá, từng có một chân lý ăn sâu vào tiềm thức của giới túc cầu: muốn đoạt QBV thì phải giành được danh hiệu vĩ đại, đặc biệt ở cấp ĐTQG. Nhưng cái chân lý này đang thay đổi. Nếu Galileo là người thay đổi chân lý “mặt trời-trái đất” khi xưa, thì Lionel Messi đang là kẻ xóa đi cái chân lý QBV trong thế giới túc cầu nói trên.
Trước kia, những huyền thoại như Michel Platini, Johan Cruyff, Van Basten… khi giành QBV châu Âu hoặc FIFA hầu hết phải đoạt được ít nhất một danh hiệu tập thể lớn ở cấp độ châu lục (EURO) hoặc thế giới (World Cup). Và trước đây, trong những năm có giải đấu lớn, thì cầu thủ gần như sẽ giành QBV nếu chơi hay nhất ở giải đấu ngắn ngủi này và đặc biệt phải góp mặt trong đội bóng vô địch. Marco van Basten (1992), Romario (1994), Matthias Sammer (1996), Zidane (1998, 2000), Ronaldo (béo) (2002), Cannavaro (2006) đều đoạt QBV FIFA hoặc châu Âu trong những năm mà họ tỏa sáng và thuộc về đội bóng vô địch World Cup hay EURO.
Vô địch không còn quan trọng
Nhưng tầm ảnh hưởng của thành tích ĐTQG, những chức vô địch vĩ đại với cuộc bầu chọn QBV đang quá nhạt nhòa. Nói cách khác, cái chân lý “muốn giành QBV phải giành danh hiệu lớn” đang chết dần. Kể từ năm 2008 tới nay, không cầu thủ nào giành QBV, kể cả FIFA, châu Âu hay QBV hợp nhất ngày nay, từng vô địch một giải đấu lớn cấp đội tuyển quốc gia. Người khởi đầu cho cuộc cách mạng này là C.Ronaldo (2008), nhưng Messi mới được xem như “Galileo của bóng đá”. Siêu sao của Barca đã thống trị mọi giải thưởng QBV trong suốt 3 năm qua. Bất kể, trong suốt thời gian này, ngôi sao người Argentina không giành được bất cứ thành tích gì ở cấp độ đội tuyển, thậm chí còn gây thất vọng tràn trề. Bất kể từ năm 2008 tới nay, đã có 3 giải đấu lớn (1 kỳ World Cup, 2 kỳ EURO) diễn ra, bất kể rất nhiều siêu sao tỏa sáng ở 2 sân chơi này, đặc biệt những nhà siêu vô địch của Tây Ban Nha.
Trong 3 năm Messi lên ngôi, thực tế có 2 QBV khá “xứng đáng” khi anh cùng Barca vô địch Champions League (2009, 2011). Tuy nhiên, trong năm 2010, Leo thống trị QBV dù chỉ giành được chức vô địch La Liga là đáng kể. Và đặc biệt, Messi cũng được dự báo gần như sẽ năm thứ 4 liên tiếp giành QBV tới đây, dù thậm chí anh chỉ đoạt được một “danh hiệu hạng 2” Cúp Nhà Vua trong năm 2012.
Khi xưa, Galileo chút nữa đã bị tòa thánh Vatican treo cổ vì thay đổi “chân lý”, nhưng hiện tại ông là một vĩ nhân. Giờ Messi cũng bị rất nhiều người ghen tị, thậm chí ghét bỏ vì “giết chết” bóng đá, vì thay đổi “chân lý” QBV. Nhưng rất có thể, không lâu nữa, Messi cũng sẽ trở một vĩ nhân theo cách của Galileo, khi cái quan niệm “cầu thủ giành QBV phải có chức vô địch đồng đội lớn” bị xóa bỏ, mà chân lý mới là “cầu thủ giành QBV đơn giản là cá nhân xuất sắc nhất”.
Xưa kia, Galileo chứng minh trái đất quay quanh mặt trời nhờ kính thiên văn đầu tiên Spyglass. Còn Messi đang thay đổi chân lý QBV nhờ đôi chân siêu việt chưa từng có trong thế giới bóng đá trước đó.
Nam Mỹ lấn át châu Âu
Từ năm 2002 tới nay, Nam Mỹ đang sở hữu số QBV (tính gộp cả QBV FIFA, QBV châu Âu) vượt trội so với châu Âu. Cụ thể, các cầu thủ Nam Mỹ giành được 11 QBV. Con số này của châu Âu chỉ là 7. Nếu chỉ tính riêng QBV châu Âu (từ năm 2002 - 2009), châu Âu cũng chỉ bằng Nam Mỹ về số cầu thủ lên ngôi (cùng 4 lần).
Leo thắng ngày một dễ
Sang năm 2010 khi Quả bóng vàng thuộc về FIFA, Messi bị Iniesta bám khá gắt gao. Khoảng cách giữa tiền đạo người Argentina (nhận được 22,65% phiếu bầu) với người đồng đội ở Barca (17,36% phiếu bầu) chỉ còn 5,29%. Nhưng năm 2011, Messi (47,44% phiếu bầu) lại thắng dễ khi bỏ xa người thứ hai Ronaldo (21,6% phiếu bầu) tới 26,28%.
CON SỐ
1.Huyền thoại người Liberia, George Weah là cầu thủ ngoài châu Âu đầu tiên và cầu thủ châu Phi duy nhất giành QBV, vào năm 1995.
1.Lev Yashin của Liên Xô trước đây là thủ môn duy nhất từ trước tới nay được trao QBV (1963).
2.Mới có 2 lần một quốc gia thống trị cả 3 ngôi đầu trong một cuộc bầu chọn QBV. Đó là Franz Beckenbauer, Gerd Mueller, Gunter Netzer (Đức, 1972) và Van Basten, Ruud Gullit, Frank Rijkaard (Hà Lan, 1988)
3.Hiện có 4 cầu thủ từng 3 lần giành QBV, là Johan Cruyff, Michel Platini, Marco van Basten và Lionel Messi. Nhưng chỉ Messi và Platini giành trong 3 năm liên tiếp.
3.Mới chỉ có 3 hậu vệ từng đoạt QBV trong lịch sử. Đó là Franz Beckenbauer, Matthias Sammer và Fabio Cannavaro.
7.Đức và Hà Lan là 2 quốc gia có số QBV nhiều nhất, cùng 7 chiếc. Nhưng Đức có 5 cầu thủ lên ngôi, còn Hà Lan chỉ có 3.
9.Barcelona đang là CLB sở hữu nhiều QBV nhất (9), nhưng số cầu thủ chỉ bằng với Milan và Juventus (6).