Lăng kính: Cảm tính và lý tính
1. Trong danh sách rút gọn 23 ứng viên cho giải thưởng Quả bóng vàng FIFA 2012 có 2 thủ thành là Buffon và Casillas. Nhưng cuối cùng, 3 ứng viên xuất sắc nhất lọt vào VCK, không có thủ thành nào. Có thể nói đó là sự bất công đối với các thủ thành.
Bình thường thôi, bóng đá lúc nào chẳng bất công, như cuộc sống làm gì có công bằng.
Người ta có thể đếm số bàn thắng của Messi trong năm và nói về kỷ lục, nhưng mấy ai ngồi đếm xem cũng trong năm 2012 ấy, Casillas hay Buffon đã cản phá bao nhiêu cú sút hiểm hóc của đối phương?
Đừng nói đến thành tích nữa vì Messi, ngoài Cúp Nhà Vua, chẳng có thành tích gì ở năm 2012 cả. Còn Casillas và Buffon thì có đấy, và lớn hơn.
Kể từ năm 1963, năm mà Lev Yashin là thủ thành đầu tiên giành Quả bóng vàng cho tới nay, ông vẫn là thủ thành duy nhất.
Một tiền đạo đối mặt một thủ môn, thử hỏi nhiệm vụ của ai khó hơn. Tất nhiên, nhiệm vụ của thủ môn khó hơn nhiều. Nhưng những người điền lá phiếu có lý do để đổ lỗi. Đó là cảm tính.
2. Thật ra, Quả bóng vàng là một giải thưởng gần đây cho nhiều ý kiến trái chiều. Ở vào thời kỳ bóng đá thế giới nhiều tài năng nở rộ như cách đây hơn chục năm, với những Zidane, Rivaldo, Ronaldo (Brazil), Figo… cùng tỏa sáng, giải thưởng QBV không hề “phức tạp” như hiện nay.
Còn nhớ, năm 2010, Inter vô địch Champions League và Serie A, tuyển Hà Lan là á quân thế giới. Thế mà Sneijder lại không có trong danh sách rút gọn còn Messi thì có. Đó là một bất công khác mà người ta lại đổ lỗi cho cảm tính.
Ừ, thì ai chả biết cảm tính không có tội.
Nhưng cái lỗi là một phần lớn lá phiếu lại được giao vào tay những người không thực sự đã hiểu hết về bóng đá.
Chính bình luận viên kỳ cựu của Anh, Jonathan Wilson đã phải viết trong phần mở đầu cuốn “Inverting The Pyramid”, cuốn sách được coi là “cẩm nang” của giới phân tích chiến thuật bóng đá, rằng: “Có rất nhiều phóng viên thể thao, theo tôi, không xứng đáng được xem một trận bóng đá vì họ chẳng hiểu gì về bóng đá cả”. Và rất nhiều trong số những người mà J.Wilson ám chỉ đó lại là người quyết định “Ai là người đoạt QBV”, bằng cách này hay cách khác.
Dễ dàng lắm, chúng ta cũng vậy thôi, cầm lá phiếu lên và ghi cái tên mình nghĩ là “nhất” một cách cảm tính, với đôi lời lý giải nhiều khi ngớ ngẩn một cách cảm tính.
Thế mới có chuyện để nói…
3. Nhưng dù sao đi nữa, dù số pha cản phá cứu nguy trong gang tấc của Buffon hay Casillas có nhiều gấp 5 lần số 91 bàn thắng của Messi trong năm 2012 đi nữa, Messi vẫn xứng đáng đoạt QBV lần này.
Đơn giản, anh đặt ra một tiêu chuẩn mới cho bóng đá hiện đại, tiêu chuẩn về sức chịu đựng của một cơ thể phải chống chọi để sinh tồn, vượt qua bệnh bẩm sinh và trở thành một siêu sao.
Nhìn vào cách nhận xét của Lizarazu về Messi là đủ hiểu. “Khi cậu ấy mặc quần jeans và áo thun trên phố, ai cũng nghĩ đó là học sinh cấp III. Còn khi cậu ấy mặc quần đùi áo số, chúng ta thành sinh viên còn cậu ấy là giáo sư”, cựu tuyển thủ Pháp đã nói như thế.
Và cũng bất công cho Messi bởi anh bị chỉ trích là “chơi không tốt cho ĐTQG”, khi anh ghi đến 12 bàn cho Argentina trong 9 trận của năm 2012. Con số ấy không tốt ở chỗ nào?
Càng bất công nữa, khi FIFA không công nhận chính thức kỷ lục ghi bàn trong năm của Messi (91 bàn) mà nhờ chính kỷ lục ấy, anh trở thành xuất sắc nhất.
Và cuối cùng, nhờ Messi, cảm tính đã có một năm 2012 song hành cùng lý tính, vì sự xuất sắc vượt trội của một Messi siêu phàm…