ĐT Anh cẩn thận: Podgorica là vùng đất lửa
Mỗi thời kỳ, ĐT Anh lại có một nơi ám ảnh như thế. Sau Izmir là đến Bratislava, Istanbul… nơi Ashley Cole và một số cầu thủ Anh từng trải qua những màn tấn công từ các CĐV. Thậm chí, bạo động đã xảy ra và tất cả chỉ mang ý nghĩa hăm dọa đối với Tam sư. Ở Montenegro, báo chí Anh cũng cảnh bảo các tuyển thủ về những áp lực ghê gớm từ lực lượng CĐV. Ở trận đấu năm 2011, ĐT Anh đã phải thi đấu dưới âm lượng khủng khiếp qua những lời chửi bới trên khán đài. Sự ức chế từ đó mà xuất hiện. Khá nhiều xung đột đã diễn ra trên khán đài và ngoài SVĐ, khiến một lực lượng bảo vệ được điều đến khẩn cấp.
Ngay như các cầu thủ của ĐT Montenegro cũng không ngại đưa ra lời khích bác đối thủ, thì các CĐV của họ càng có cớ để ra sức đe dọa Tam sư. Vì thế, nguy cơ xảy ra bạo loạn là rất lớn. Và để rút kinh nghiệm trận đấu trước, với tính chất rất quan trọng ở cuộc gặp gỡ này, phía chủ nhà đã tăng cường lực lượng an ninh gấp đôi. Khoảng 1.000 nhân viên an ninh sẽ hiện diện để đối phó với 1.300 CĐV Anh có mặt ở sân Podgorica.
Người Anh hỷ hả với trọng tài Eriksson
Hôm qua (25/3), UEFA đã công bố tổ trọng tài điều khiển trận đấu tại Montenegro và người Anh có thể hỷ hả khi người cầm còi là ông Jonas Eriksson. Sở dĩ báo chí Anh tỏ ra hài lòng là bởi Eriksson không có thói quen rút thẻ đỏ, trong khi thời gian gần đây các đội bóng Anh gặp nhiều quyết định khá nặng tay từ các trọng tài.
Ông Eriksson, 38 tuổi, là một cựu phóng viên, và đang là một triệu phú nhờ công việc đầu tư, bán cổ phiếu. Eriksson từng điều khiển một trận của ĐT Anh, đó là trận giao hữu với Slovenia tại Wembley năm 2009 (Anh thắng 2-1). Điều quan trọng nữa, Eriksson là người được báo chí Anh có thiện cảm bởi… ít khi rút thẻ đỏ.
Còn nhớ trận đấu giữa Montenegro và Anh hồi tháng 10/2011, Rooney phải nhận thẻ đỏ từ trọng tài Wolfgang Stark, sau đó bị treo giò 2 trận tại EURO 2012. Người Anh rất ngại điều tương tự lại xảy ra với Rooney hoặc tuyển thủ nào đó. Nhưng với Eriksson, họ có thể yên tâm hơn!