
Deschamps cần tạo cơ hội cho Benzema
Hãy xem lại trận đối đầu trực tiếp gần đây nhất nhất giữa Pháp và TBN (tứ kết EURO 2012): chẳng những bố trí sơ đồ 4-5-1 với hàng thủ và hàng tiền vệ gần như không có khoảng cách, HLV Blanc của Pháp còn chỉ

Tất nhiên, chuyện Pháp thua TBN (0-2) trong một hình ảnh cúi đầu tại vòng tứ kết EURO 2012 giờ đã xưa như trái đất. Nhưng phải nhắc lại vì người ta đâu có “tha” cho Benzema mỗi khi đề cập đến anh trong ĐT Pháp. Thà rằng Les Bleus bỏ luôn Benzema, còn hơn để anh hiện diện trên sân như một người thừa. Đấy chính là chi tiết nói lên rằng tiền đạo của Real thất bại trong ĐT Pháp vì HLV hơn là vì chính anh thất bại.
Vô tình hoặc cố ý, Blanc không cho Benzema một cơ hội nào để thành công. Hoặc như trận giao hữu với Nhật Bản mới đây cũng vậy (Pháp thua 0-1). Chỉ trích Benzema nói riêng cũng như ĐT Pháp nói chung thì quá đơn giản. Nhưng có ai nói được nhiệm vụ đích thực của Benzema và ĐT Pháp trong trận giao hữu ấy? Xét về đẳng cấp kỹ thuật, cầu thủ Nhật Bản là “vua châu Á”. Lối chơi của họ cũng là “tiqui-taca châu Á”: luôn chơi bóng sệt, chuyền nhanh và nhuyễn trong cự ly gần, thi thoảng chớp lấy cơ hội để xuyên thủng hàng thủ đối phương bằng những quả chọc khe. Nhật Bản cũng đá bằng tiền vệ là chính và luôn phải tấn công bằng số đông. Sở dĩ Pháp chọn một đối thủ như vậy để đá giao hữu chủ yếu là để họ tự tìm ra những khoảng trống trong hệ thống của mình mà các đội chơi thiên về kỹ thuật có thể khai thác. Còn trên thực tế, tờ L’Equipe cứ việc chỉ trích rằng Benzema lại không ghi bàn. Anh đâu có đá cho báo L’Equipe!
Thử nghiệm là một chuyện, đá thật lại là chuyện khác. Đêm nay, cơ hội chỉ đến nếu HLV Deschamps can đảm đẩy cao hàng thủ, sao cho khoảng cách giữa tiền vệ và tiền đạo gần hơn, đồng thời ưu điểm về kỹ thuật của hàng tiền vệ TBN bị đẩy ra xa so với khung thành thủ môn Hugo Lloris. Tiqui-taca mà chỉ phát huy ở khu giữa sân thì coi như vô nghĩa. Còn nếu lại cứ thủ thấp và kéo cả đội hình về phần sân nhà chỉ để phòng ngự như cách chơi của Laurent Blanc, thì Pháp sẽ có hai hậu quả. Thứ nhất, coi như Pháp mời TBN tấn công và ghi bàn. Thứ hai, coi như Benzema không có mặt trên sân. Muốn thành công, Pháp phải tạo cơ hội cho Benzema bằng cách chính họ cũng phải tích cực tấn công, nhất là tấn công biên. Và cơ hội cho chân sút của Real sẽ đến từ phía Ribery ở vị trí tiền vệ hay tiền đạo cánh. HLV Deschamps “dám” chơi như thế?

Đêm của Ribery?
Nếu TBN lại chơi với sơ đồ 4-3-3-0, đấy sẽ là cơ hội tốt để Ribery tỏa sáng vì anh sẽ không có nhiều rào cản ở hành lang bên trái. Trên lý thuyết, hậu vệ phải Arbeloa chính là điểm yếu trong đội hình TBN. Nếu qua được mắt xích ấy, Ribery sẽ có dịp tấn công vào cặp trung vệ chắp vá của TBN. Giới quan sát trung lập hoặc các cầu thủ TBN mà càng xem thường Ribery, anh càng có thể thành công.
Có nhiều con đường để chống tiqui-taca
Thụy Sỹ thắng TBN tại VCK World Cup 2010. BĐN hòa TBN tại EURO 2012 trong 120 phút. Italia cũng hòa TBN trong trận ra quân của đôi bên ở VCK EURO 2012.
Có điểm chung nào giữa 3 đội bóng từng khiến tiqui-taca trở nên tầm thường trong các trận đấu quan trọng vừa nêu? Đấy chỉ là sự tự tin của nhà cầm quân. Đáng lưu ý là ở chỗ: cách chơi của Thụy Sỹ, BĐN và Italia khác hẳn nhau. Nghĩa là, người ta không chỉ có một con đường để chống tiqui-taca.
Thụy Sỹ biết cách đặt ra ranh giới giữa việc tiqui-taca được phép và không được phép tồn tại. Đấy là một vạch tưởng tượng theo chiều ngang mặt sân, cách khung thành 30m. BĐN phòng thủ giữa sân bằng một đấu pháp cực kỳ khoa học. Còn Italia đẩy cao hàng thủ, chơi với sơ đồ 3-5-2 và bỏ qua khu vực giữa sân khi tấn công.
Nếu đội tuyển Pháp tự thấy họ không đủ tài để “ăn miếng trả miếng” với TBN, chẳng lẽ họ cũng không thể tham khảo bài học của BĐN hoặc Thụy Sỹ?