Khó tìm ra một nơi nào khác trên thế giới mà bóng đá có ý nghĩa quan trọng trong đời sống thường nhật như tại Italia. Vào mỗi cuối tuần, cuộc sống ở đất nước hình chiếc ủng như tạm lắng đọng trong mọi lĩnh vực khác để nhường chỗ cho Serie A - giải đấu mà từ các chính khách thượng thặng, giới tài phiệt đến các ông trùm Mafia đều muốn dùng làm phương tiện thăng tiến trong lĩnh vực của mình. Và không có nơi nào khác tại Italia xứng đáng được gọi là kinh đô bóng đá hơn thành phố Milan.Đấy là thành phố duy nhất tại châu Âu từng có 2 đội khác nhau đăng quang ở Cúp C1/Champions League. Không những vậy, cả Inter lẫn AC Milan đều đã từng VĐTG cấp CLB. Bấy nhiêu cũng đủ cho thấy derby Milan đáng được xếp vào hàng đầu trong tất cả những trận derby nổi tiếng trên thế giới.
Điểm qua thành tích tổng cộng của Inter và Milan là điều không mấy cần thiết, chẳng phải vì đây là đã thời đại của google hoặc wiki, cũng chẳng phải vì 2 đội bóng hàng đầu thế giới này có quá nhiều thành tích, khó mà đếm cho xuể. Không nên đặt nặng vấn đề thành tích chủ yếu là bởi những thành tích hào hùng vẫn chưa đủ để nói lên tầm quan trọng của cuộc đụng độ giữa Inter và AC Milan, đối với người dân Milan nói riêng cũng như người dân Italia nói chung.
Điểm đặc biệt nhất của trận derby Milan (còn gọi là derby della Madonnina) có lẽ là ở chỗ: nó len lỏi đến tận mỗi gia đình - điều mà người ta gọi là từng tế bào của xã hội. Không có bất kỳ sự phân biệt rõ rệt nào về địa vị, đẳng cấp, học vấn, tôn giáo hay vị trí địa lý giữa các tifosi của Inter và AC Milan (cho dù ban đầu, người ta từng nghĩ Milan được giới thợ thuyền ủng hộ nhiều hơn, còn Inter là đội bóng của giới thượng lưu).
Các CĐV của 2 đội sống kề bên nhau trong mọi lĩnh vực, và giới nghiên cứu tìm hiểu nát nước cũng không thể nào kết luận: người dân Milan ủng hộ Inter hoặc AC Milan vì lý do gì. Rất dễ thấy cảnh một gia đình Milan quây quần bên bữa ăn sáng với ông bố ca ngợi Inter, bà mẹ lại khen AC Milan trong khi con cái của họ cũng chia thành hai phe một cách đồng đều! Cách giải thích nghe hợp tai nhất chỉ là: “Inter hay AC Milan - đấy là lựa chọn của con tim”.
Đúng là chỉ vì tình yêu bóng đá mà thôi. Người ta thích Inter hơn, hoặc thích AC Milan hơn, chứ rất hiếm khi có chuyện tifosi của đội này điên lên vì sướng khi hay tin đội kia thất bại - như kiểu thù nghịch giữa cổ động viên Barcelona với cổ động viên Real Madrid. Nếu là du khách đến Milan và hâm mộ AC Milan, bạn cũng chẳng bao giờ phải sợ khi ngồi chung quán bar với các Interista. Lý lẽ đơn giản: nếu các Interista và Milannista thực sự thù ghét nhau thì không ai có thể tưởng tượng hậu quả sẽ như thế nào khi cả thành phố “lâm chiến”, hoặc khi người ta phải choảng nhau trong… mỗi gia đình!
CHUNG SỐNG TRONG NIỀM VUI
Có 2 nhân vật quan trọng nhất làm cho Milan trở thành kinh đô bóng đá có một không hai như vậy. Một là Helenio Herrera - HLV huyền thoại đã đưa Inter Milan lên ngôi vô địch châu Âu trong các năm 1964, 1965. Ông biến cách chơi phòng ngự Catenaccio thành một nghệ thuật. Giá trị chuyên môn mà HLV Herrera để lại không chỉ có ý nghĩa với riêng Inter. Đấy còn là di sản của cả Calcio cũng như làng cầu thế giới.
Người còn lại là Silvio Berlusconi, nhân vật đã mua lại một AC Milan thoi thóp hồi giữa thập niên 1980, rồi biến thành đội bóng vào loại khổng lồ nhất thế giới, ngự trị trên đỉnh vinh quang suốt một thời gian dài. Hóa ra, Herrera hay Berlusconi cũng đều là niềm tự hào chung của cả thành phố Milan, giống như khi nói về SVĐ nổi tiếng San Siro thì không ai xem đấy là sân của riêng Inter hay AC Milan, dù sân này được đặt theo tên của một huyền thoại Inter - Giuseppe Meazza (San Siro là tên quận, nơi sân bóng tọa lạc).
Hồi AC Milan trở thành đại diện Calcio đầu tiên đoạt Cúp C1 châu Âu, năm 1963, thì Inter lại đoạt chức vô địch Serie A. Điều ấy lặp lại vào năm 1989. Đến năm 2007, khi Inter trở lại với ngôi vô địch Serie A lần đầu tiên sau một thời gian dài (vô địch trên sân chứ không phải vì được xử thắng), thì Milan cũng vẫn vô địch Champions League thêm một lần nữa. Phải chăng vì có quá nhiều dịp mà cả hai nửa của thành phố Milan đều tưng bừng mở hội chiến thắng như thế, nên giới hâm mộ Inter và AC Milan chỉ biết chung sống trong niềm vui, chứ không phải sống trong sự thù hằn?
CÁC QBV CHÂU ÂU TỪNG KHOÁC ÁO MILAN VÀ INTER
AC Milan: Gullit (1987), Van Basten (1988,1989,1992), Papin (1991 với Marseille), George Weah (1995), Shevchenko (2004), Kaka (2007).
Inter: Matthaus (1990), Baggio (1993 với Juventus), Ronaldo (1997).
BẦU TRỜI THIẾU NHỮNG VÌ SAO TINH TÚ
Mùa trước, Inter bước vào trận derby Milan với cả một tâm lý nặng trĩu của kẻ chỉ mất chứ chẳng được gì. Họ đã 5 lần liên tiếp vô địch Serie A, trong đó lần cuối cùng (2010) chỉ là một phần trong tuyệt phẩm “ăn ba” mang chữ ký Jose Mourinho. Quá dễ để giới chuyên môn khi ấy chỉ ra rằng Mourinho thành công nhờ biết cách khai thác đến mức tối đa tiềm năng của một Inter đã quá già nua, cũ kỹ.
“Người đặc biệt” lập tức ra đi ngay sau khi cùng Inter đăng quang ở trận địa Champions League vì lời mời của Real Madrid quá hấp dẫn hay vì chính ông biết rõ Inter không có cách gì bảo vệ nổi thành tích huy hoàng, trên khả năng thực, trong mùa bóng 2009/10?
Cũng ở thời điểm ấy, AC Milan có được sự thoải mái tối đa của kẻ chỉ được chứ không mất gì. Họ đang trên đường trở lại đỉnh cao. Họ được cổ vũ bởi các cổ động viên trung lập luôn hào hứng chào đón cái mới. Và họ chẳng có gì để phải bảo vệ. Kết quả, Milan thắng trận derby lượt đi, trên nguyên tắc là trận sân nhà của Inter. Rồi Milan lại thắng luôn trận lượt về, và cuối cùng đã thực sự đoạt lại được Scudetto.
Năm nay, tình hình khác hẳn. Inter đại bại hồi đầu mùa, khiến HLV Gian Piero Gasperini nhanh chóng bị sa thải. Nói rằng người ta không tính đến Inter nữa, khi bàn luận về các vị trí cao ở Serie A, thì quá dễ dàng. Điều đáng nói là Inter đã có lúc rớt xuống thật sát với khu vực cuối bảng. Trong khi đó, AC Milan lại phải chịu đựng áp lực từ sự chờ đợi dành cho nhà vô địch. Thế nên, hoàn cảnh của trận derby Milan mùa này khác xa so với mùa trước.
Đây là chi tiết tương đối quan trọng về mặt chuyên môn, bởi người ta vẫn thường cho rằng tâm lý thi đấu, áp lực, tinh thần là các yếu tố quan trọng có thể quyết định thắng, bại trong những trận đấu đỉnh cao. Đã vậy, Inter còn thuận lợi hơn Milan ở chỗ rút cuộc thì họ cũng đã nhanh chóng hồi sinh, vươn lên tiếp cận được nhóm đầu bảng dưới sự dẫn dắt của HLV Claudio Ranieri. Có thể nói, Inter đang thuận lợi trong thời điểm này.
Phải bàn ở khía cạnh tinh thần bởi nói thẳng ra ở thời điểm hiện tại thì cả Inter lẫn Milan đều không còn xứng danh “đại gia” châu Âu trong vấn đề thực lực nữa. Một thời, đấy là 2 đội chia nhau đến 7 “Quả bóng vàng châu Âu” trong 11 năm (1987-1997), 2 cầu thủ khác được “Quả bóng vàng” trong giai đoạn ấy rút cuộc cũng nhanh chóng gia nhập các đội bóng thành Milan.
Bây giờ, cầu thủ Inter hoặc AC Milan thậm chí không có hy vọng tranh chấp các danh hiệu cá nhân, chứ khoan nói chuyện đoạt giải. Kể cả khi Inter “ăn ba” vào năm 2010 và ngôi sao của họ là Wesley Sneijder lọt vào chung kết World Cup cùng đội Hà Lan, anh cũng chẳng có chút hy vọng nào, thậm chí không lọt nổi vào danh sách rút gọn trước khi người ta công bố chủ nhân của “Quả bóng vàng”.
Nói đến derby Milan trong giai đoạn này là chỉ nói đến chiến thuật và tinh thần thôi, chứ đấy không còn là “chiến tranh giữa các vì sao” như thời 1980-1990 nữa.
DERBY CỦA NGƯỜI GIÀ
Nếu như Inter là đội già nhất châu Âu hiện nay, thì AC Milan cũng chẳng trẻ hơn chút nào. Christian Abbiati (34) Clarence Seedorf (35), Mark Van Bommel (34), Alessandro Nesta (35) hoặc Gianluca Zambrotta (34) đều đang còn đấy, và đều giữ những vai trò quan trọng. Bên phía Inter, đá chính nhiều nhất trong mùa bóng này là Javier Zanetti, cầu thủ sắp bước sang 39 tuổi. Hồi HLV Guardiola dẫn dắt Barcelona đến “cú ăn 6” lịch sử trong năm 2009, ông còn trẻ hơn Zanetti hiện nay.
Tính ra, số bàn thua mà Inter để lọt trong năm 2011 cao gấp đôi số bàn thua của họ trong năm 2010. Đấy là vì hàng thủ của họ đã mất hẳn tốc độ, không còn khả năng theo kịp yêu cầu về mặt đấu pháp nữa. HLV Gian Piero Gasperini bị sa thải hồi đầu mùa không phải vì cách thủ với 3 hậu vệ của ông là kém, mà vì các hậu vệ và tiền vệ Inter đều quá chậm, không thể chơi bằng hàng thủ 3 người (trong khi Gasperini không bao giờ huấn luyện theo sơ đồ khác).
Milan không chơi theo cách của Inter, nhưng vấn đề vẫn vậy. Họ thủng lưới 16 bàn trong 16 vòng đấu. Nhìn sang các giải VĐQG quan trọng khác, chẳng thấy đội nào dẫn đầu mà lại thủng lưới mỗi trận một bàn như Milan. Trong Top 5 tại Serie A thì 2 đội thủng lưới nhiều nhất chính là 2 đội thành Milan.
Tất nhiên, Inter và Milan đều đã hiểu nhau quá rõ. Họ đều biết rõ nhược điểm về tốc độ của đối phương, nhất là ở hàng phòng ngự. Nhưng họ có khai thác được nhược điểm của nhau hay không thì đấy lại là chuyện khác. Cũng cần lưu ý, Calcio không phải là nền bóng đá được đánh giá cao về tốc độ. Mà thật ra, họ cũng hiếm khi đá bằng tốc độ!
Inter Milan là đội bóng… già nhất châu Âu hiện nay, với độ tuổi bình quân 29,61. Đấy là số liệu tính đến thời điểm cuối năm 2011 của PFPO – tổ chức chuyên thống kê các thông tin cá nhân và lưu trữ hồ sơ của khoảng 13.000 cầu thủ chuyên nghiệp thuộc 36 nền bóng đá khác nhau tại châu Âu. Năm ngoái, 3 đội già nhất châu Âu, theo PFPO, cũng là Inter, AC Milan và AS Roma.
Nguồn: bongdaso.com