Vấn đề & Sự kiện: Tiqui-taca đang xuống cấp
Bí quyết thành công của tiqui-taca là cách chơi chủ động, cầm bóng phần lớn thời gian thi đấu nhờ vào một đội hình gồm những cầu thủ có kỹ thuật cá nhân điêu luyện, cụ thể là khả năng rê dắt bóng, chuyền bóng chính xác, phản ứng nhanh lẹ và biết cách loại bỏ sự đeo bám của đối phương. Cùng với đó là lối lên bóng tấn công kết hợp giữa chạy và chuyền, đa phần ở cự ly ngắn và trung bình, với tần suất di chuyển không bóng liên tục.
Nhưng tiqui-taca có lẽ đã đến lúc lộ nhược điểm. Nhược điểm ấy có thể nằm ở linh hồn của đội - là người giữ vai trò phân phối bóng đi khắp mặt sân do Xavi bắt đầu có dấu hiệu tuổi tác. Nó cũng có thể nằm ở hàng tiền đạo, khi các chân sút bỗng dưng trở nên chậm chạp, mất tập trung và vô duyên trong dứt điểm.
Hoặc nó nằm ở chính tập thể ĐT Tây Ban Nha, khi sức mạnh đoàn kết có dấu hiệu bị sứt mẻ mà nguyên do bắt nguồn từ sự vắng mặt của đội trưởng Casillas, khiến “phe Real Madrid” và “phe Barca” hằm hè nhau.
Đáng quan ngại hơn cả là tính trì trệ của tiqui-taca. Người ta thường nói, kẻ đứng im có nghĩa là đang thụt lùi. Và lối đá của Tây Ban Nha là vậy, gần như chẳng có gì thay đổi trong hình hài của Bò tót kể từ khi họ vô địch thế giới 2010 cho đến lúc đăng quang tại EURO 2012. Vẫn là sơ đồ 4-3-3, với những con người gần như là bất khả xâm phạm. Vẫn là cách chạy và chuyền bóng nhanh kết hợp với những pha di chuyển không bóng để hút đối thủ, nhưng tiqui-taca bây giờ có vẻ như đang mất đi tính đột biến. Nó cứ đều đều và gần như không có cao trào mà nguyên do có thể bắt nguồn từ sự thiếu động lực thi đấu của cầu thủ do đã quá no nê danh hiệu.
Thế nên, ở vòng loại World Cup 2014, Tây Ban Nha thường xuyên gặp khó khăn. Dù vẫn luôn cầm nhiều bóng và kiểm soát cuộc chơi, nhưng họ không còn thể hiện được sức mạnh hủy diệt như trước. Tây Ban Nha phải chật vật đến gần cuối trận mới thắng nổi “chú lùn” Georgia. Họ bị Pháp cầm hòa 1-1 ở trận lượt đi và mới nhất cũng là kết quả hòa tương tự trước Phần Lan, dù được đá trên sân nhà. Tóm lại, các học trò của Del Bosque tấn công nhiều, nhưng sự hiệu quả thì không còn như trước nữa.
Người Tây Ban Nha không thể cứ “đổ lỗi” cho cách chơi dựng “xe bus 2 tầng” của các đối thủ trước gôn nhà. Quan trọng là họ phải tự nhìn nhận và biết cách làm mới mình. Về khoản này, Del Bosque phải học Barca. Tiqui-taca của đội bóng xứ Catalan, với nhiều ngôi sao là nòng cốt của tuyển Tây Ban Nha cũng từng có lúc bị đối phương bắt bài, điển hình là trong trận lượt đi gặp Milan ở vòng knock-out Champions League mùa này. Nhưng Barca đã rất nhanh chóng biết cách tự thay đổi, để rồi trong trận lượt về họ làm nên một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục để vượt qua Milan vào tứ kết.