Tại sao cả châu Âu thèm khát Falcao?
Là một trung phong, tất nhiên anh có nhiệm vụ chủ yếu là ghi bàn. Điều này đã được Falcao thực thi hoàn hảo. Các bàn thắng của anh giúp Atletico Madrid bỏ xa Real Madrid và chia ngôi đầu bảng với Barcelona sau 7 vòng đấu ở La Liga. Anh cũng là cây làm bàn chủ lực giúp đội bóng của mình vô địch Europa League suốt 2 mùa bóng gần đây, dù đấy là hai CLB khác nhau (Porto và Atletico). Vì sao Falcao thành công như vậy, đấy mới là điều quan trọng.
Cảm giác chọn vị trí và thời điểm tuyệt vời cùng với khả năng xử lý tình huống thật tinh tế giúp Falcao khai thác hầu như trọn vẹn các cơ hội ghi bàn trong chỗ chật, từ đó anh trở thành một “siêu tiền đạo”, một hung thần trong vòng cấm địa, kiểu Gerd Mueller ngày xưa hoặc Raul, Van Nistelrooy gần đây. Nhưng Falcao hơn hẳn những cái tên ấy ở chỗ, anh không chỉ ghi bàn trong vòng cấm địa. Falcao còn có kỹ thuật cá nhân điêu luyện để ghi các bàn thắng đẹp từ ngoài vòng cấm hoặc khi đột phá vào trong, kiểu Dennis Bergkamp. Tốc độ, sự tập trung và tinh thần chiến đấu lại tạo ra một Falcao dũng mãnh, như tượng đài Gabriel Batistuta.
Quả thật, Falcao có mọi phẩm chất cần có của một tiền đạo, chứ anh không phải là sự lặp lại của bất cứ hình mẫu nào. Có lúc, người ta thấy Falcao đeo bám hậu vệ đối phương, di chuyển đến tận cột cờ góc để tranh bóng, ít nhất là để gây áp lực khiến hậu vệ đó phải phạm lỗi hoặc phá bóng. Cũng có lúc Falcao lùi về thật sâu để tìm bóng. Anh luôn di chuyển một cách khôn ngoan để đồng đội dễ chuyền bóng. Và khi di chuyển để nhận bóng thì Falcao luôn chiếm được tiên cơ khi ở tư thế hướng về khung thành đối phương, còn hậu vệ đối phương thì phải vất vả xoay mình. Cuối cùng, Falcao có thể dứt điểm từ mọi hướng, bằng cả hai chân cũng như bằng đầu, nên hàng thủ đối phương rất khó bắt bài.
Hàng công chỉ cần có Falcao là đủ. Phần việc còn lại của HLV là chỉ cần xếp tiền vệ thế nào để làm chủ khu giữa sân. Falcao “được giá” là vì vậy. Các đội bóng lớn đều muốn có Falcao, cũng là vì vậy.