Lịch sử đã chỉ ra rằng, Mourinho là hình mẫu HLV chỉ thích hợp cho mục tiêu ngắn hạn. Nghĩa là vị HLV người Bồ chỉ thích hợp cho những kế hoạch trước mắt chứ không có tính chất lâu dài – truyền thống, hay nói cách khác Mourinho có nét gì đó giống với những người du mục không thể sống quá lâu ở một nơi.
Mourinho - kẻ du mục thành công nhất
Thành công nhất trong phong cách huấn luyện của Mourinho chính là việc ông đã bằng cách nào đó kích thích tinh thần chiến đấu cũng như sự tự tin của các cầu thủ – điều mà trước khi ông đến, họ không có hoặc có nhưng không đủ để biến thành động lực chiến thắng. Chính vì thế, việc Mourinho ra đi sau khi có được những thành công đã khiến cho các CLB ông từng nắm quyền gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống sau đó.
Inter Milan chính là ví dụ gần nhất để chứng minh cho điều này. Sau khi giành chức VĐ Serie A, Coppa Italia, VĐ Champions League với nửa xanh thành Milan, người đặc biệt đã ra đi để chinh phục chân trời La Liga. Kể từ đó tới nay, Inter Milan chưa bao giờ có thể quay trở lại với thời hoàng kim đó được nữa.
Đến bây giờ, Inter Milan vẫn chưa quen được cuộc sống hậu Mourinho
Lần lượt các HLV đã đến nhưng càng hy vọng bao nhiêu thì các Interista lại thất vọng bấy nhiêu. Inter Milan đã đánh mất chính mình cũng chỉ bởi vì dấu ấn của Mourinho đã khắc quá sâu tại Giuseppe Meazza.
Tiếp đến phải kể đến Chelsea – đội bóng đã lột xác trở thành một thế lực thật sự tại giải ngoại hạng Anh dưới bàn tay của Mourinho. Cũng chỉ hít thở bầu không khí nước Anh có 3 mùa giải trọn vẹn (Mourinho bị sa thải ở nửa đầu mùa giải thứ 4) nhưng Mourinho cũng kịp mang về cho đội bóng thành London 2 chức VĐ Premier League, 1 FA Cup, 1 League Cup và 1 Community Shield cùng với hàng loạt các gương mặt cầu thủ mà dưới bàn tay của Mourinho đã trở thành những ngôi sao hàng đầu thế giới như Terry, Lampard, Drogba…
Chelsea cũng chẳng phải là ngoại lệ
Nhưng kể từ sau khi Mourinho ra đi, Chelsea mặc dù vẫn có được những thành công nhất định nhưng đội bóng này chưa một lần nào được nâng cao chiếc cúp VĐ giải ngoại hạng. Các HLV mới cũng đến nhưng rồi lại đi bởi lẽ đối với những cầu thủ tại Stamford Bridge thì không ai có thể thay thế được Special one. Thậm chí, ở mùa giải ngay sau khi Mourinho ra đi, Chelsea còn tụt xuống tận vị trí thứ 3 chung cuộc, sau cả Liverpool của Rafael Benitez.
Và sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến FC Porto – đội bóng Bồ Đào Nha khởi nghiệp cho thành công của Mourinho. Ngay sau khi giành cú đúp chức VĐQG và Champiosn League mùa 2003-04 thì ở mùa giải tiếp theo không có Mourinho (đã chuyển sang dẫn dắt Chelsea) Porto không những trở thành nhà cựu VĐ Champions League mà ngay cả ở giải quốc nội đội bóng này cũng thất bại trong cuộc đua giành chức VĐQG với Benfica.
Porto thì may mắn hơn Inter và Chelsea một chút
Nhưng may mắn hơn Chelsea và Inter, Porto được thi đấu trong một giải đấu thấp hơn về chất lượng nên không mất quá lâu để họ có thể quay trở lại với quỹ đạo chiến thắng của mình nhưng cũng kể từ đó tới nay, Porto chưa bao giờ có thể gặt hái thành công ở đấu trường châu Âu như trước nữa (kể cả Europa League lẫn Champions League).
Nói gì thì nói, Real Madrid vẫn ở một đẳng cấp khác so với 3 đội bóng kể trên. Có thể việc Mourinho ra đi sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới toàn bộ đội bóng (đặc biệt là mặt thành tích ỏ đấu trường quốc nội trong hoàn cảnh cỗ máy Barcelona vẫn đang vận hành trơn tru với loại dung dịch mang tên tiqui-taca) nhưng thiết nghĩ đó cũng là quy luật của cuộc sống. Real Madrid vẫn phải bước tiếp và cần phải có những sự thay đổi để phù hợp hơn với những biến chuyển của thực tế cuộc sống.
Liệu Mourinho có giúp Real đạt Decima trước khi ra đi?
Và trước khi ra đi, nếu Mourinho giúp Real hoàn thành giấc mơ Decima năm nay thì có lẽ đó cũng là một kết thúc đẹp cho mối tình không đẹp giữa Người đặc biệt và Los Blancos.
Minh Trường (Báo bóng đá điện tử ibongdavn.com)