1. Real từng thua Levante và Barca cũng từng thua Getafe, nhưng ai dám nói hai trận thua này đồng nghĩa với việc có ai đó ở La Liga đủ tầm cạnh tranh với Barca lẫn Real. Những Sevilla, Villarreal, Valencia từng là trở ngại lớn cho cả Real lẫn Barca hôm nay đã không còn giữ được sức mạnh xưa. Minh chứng là Real hay Barca vẫn có thể tìm được chiến thắng (thậm chí áp đảo) ngay cả khi chơi trên sân khách. Sự phân cực ấy là một thực tế phản ảnh đúng môi trường bóng đá hôm nay.
Nhiều người hẳn sẽ thở dài khi nhớ về La Liga của đầu thập niên 90, thời đoạn mà Deportivo, Valencia, Bilbao, Atletico chẳng ngán ngại gì 2 đại gia giàu thành tích kia. Thời ấy, cạnh tranh khắc nghiệt mà đẹp mắt. Nhưng những cái gì đẹp, lãng mạn kiểu cách thường đi xa lắm rồi. Bây giờ là thời đại của tốc độ và của những thương vụ đầu tư khôn ngoan. Mà muốn đầu tư khôn ngoan, ngoài trí khôn ra người ta cũng cần phải có tiền. Tiền thì các CLB khác sao sẵn có bằng Real hay Barca.
Thế là La Liga bỗng thành một mâm cơm thường chứ không phải mâm cỗ như quá khứ nữa. Và trong cái mâm cơm thường ấy, El Clasico bỗng ngày càng trở thành món ngon hiếm hoi. Suy cho cùng, La Liga chỉ còn đúng 2 trận siêu kinh điển là đáng xem mà thôi. Còn lại, nó nhàn nhạt vì tính chất dễ đoán trước, như thể người ta chiều chưa về nhà đã đoán được tối nay bữa cơm gia đình mình phải ăn gì rồi.
2. Và khi giữa mâm cơm ngày nào cũng như ngày nào đó, bỗng nhiên, một đôi bữa xuất hiện món ngon đặc sản thì những ngày hiếm hoi ấy lại trở thành sự kiện mà cả người nấu lẫn người ăn đều vô cùng quan tâm. Thế mới thấy, tại sao hôm nay người ta quan tâm đến El Clasico kinh khủng đến thế. Hồi đầu thập niên 90, trận này cũng thu hút lắm nhưng không chắc đã được đánh bóng lên thành một sự kiện “văn hoá đại chúng” như thời đoạn này.
Tất nhiên, món ngon, món quý làm sao có thể chỉ mang ra bày trên mâm rồi ăn như món thường được. Trong tương quan so sánh chênh lệch thế, món ngon bỗng càng ngon hơn và thế là người ta cũng phải trang hoàng phụ kiện cho nó nhiều hơn.
Cái phụ kiện Messi - CR7 là một dạng “vật trang trí” cho món ngon ấy. Tất nhiên, cuộc đua CR7 - Messi không chỉ quyết định trong mỗi trận El Clasico này mà nó kéo dài nhiều năm bởi đó là cuộc đua của việc xây dựng biểu tượng chứ không đơn thuần là ai giỏi hơn ai. Trong cuộc đua ấy, CR7 bỗng trở nên đáng thương bởi anh tài năng không kém cạnh, hình ảnh bên ngoài còn “ngon lành” hơn nhưng kết cục, ở các giải thưởng, anh cứ luôn về nhì. Tâm trạng “vua về nhì” hẳn là ức chế lắm. Và càng ức chế lại càng có câu chuyện cho món ngon thêm mắm thêm muối.
Pep - Mourinho cũng là một dạng phụ kiện khác của món ngon El Clasico. Một ông thì cá tính mạnh; một ông thì lịch lãm chỉn chu. Sự đối lập ấy hẳn là có chủ ý của người chọn lựa. Thử xem Pellegrini làm việc ở Real có tạo được sự đối kháng mạnh mẽ đến thế không? Lựa chọn ấy quả thật quá khôn ngoan. Và thử đặt câu hỏi, nếu như Real dùng một người chỉn chu hiền lành thì sao nhỉ? Biết đâu đấy Barca sẽ không dùng Pep mà chọn một người cá tính như Mourinho. Đối kháng ấy còn mạnh mẽ hơn đối kháng Fergie - Wenger thời kỳ Arsenal và M.U song song so kè chức vô địch Premier League.
Suy cho cùng, có món ngon thì cứ thưởng thức thôi! Và vì món ngon của người xem, chính Perez và Rosell là những kẻ thắng lợi cuối cùng. Họ đã tự nấu món ngon - những đối kháng nói trên - để mọi người xuýt xoa khen ngợi trong khi chính sự quan tâm đặc biệt của số đông lại chính là món ngon mà bộ đôi ấy muốn có.
Nguồn: bongdaplus.vn