1. Cho đến tận những khoảng thời gian cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2011/12, La Liga vẫn là giải đấu chi ít tiền nhất trong số các giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Và trớ trêu nhất, giải đang chi nhiều tiền nhất trong kỳ chuyển nhượng này là Bundesliga. Ở giải đấu nổi tiếng vì sự tiết kiệm ấy, có hơn 50 triệu euro được chi ra trong một tháng qua.
Đó dường như là sự phản ánh bộ mặt kinh tế của mỗi nước. Đức đang là quốc gia có tình hình kinh tế lành mạnh bậc nhất châu Âu, nắm trong tay vận mệnh của cả khu vực đồng euro. Còn Tây Ban Nha, họ có nguy cơ theo bước Bồ Đào Nha và Hy Lạp rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công mới.
Đó thực sự là một ngày đẹp trời để Barcelona đối đầu Valencia, hai con nợ lớn nhất của bóng đá Tây Ban Nha gặp nhau. Một cuộc đấu mang tính biểu tượng.
2. Barcelona vẫn đang là nhà vô địch Tây Ban Nha về nợ nần. Theo báo cáo tài chính mới nhất trong mùa Hè này, họ giảm được số nợ xuống một chút, ở mức 483 triệu euro. Nghĩa là tỷ lệ nợ/tổng giá trị tài sản bây giờ đang là 49,5% (CLB được tạp chí Forbes định giá 975 triệu euro). Ở Real Madrid, nơi tổng giá trị CLB là 1,4 tỷ euro, còn nợ 169 triệu, tỷ lệ này chỉ là 11%.
Chỉ mới 2 năm trước, Valencia còn đang là biểu tượng cho sự suy kiệt của bóng đá Tây Ban Nha. Bây giờ, họ đã nhường ngôi quán quân cho Barca. Chủ tịch Manolo Llorente xóa được 200 triệu euro tiền nợ trong 2 năm, một chiến tích khiến cả châu Âu nể phục. Đó là chính sách thắt lưng buộc bụng có thể khiến mọi CLB sụp đổ, một đội hình với giá trị tương đương những CLB đang chạy đua chống xuống hạng ở Premeirship. Nhưng họ vẫn dự Champions League, và có thể sẽ lại có mặt ở đó vào mùa giải năm sau.
Cho tới tận cuối mùa giải này, khi các danh hiệu được phân định lại, Barca vẫn là kẻ thống trị. Nhưng ở phương diện khác, Valencia đã chiến thắng và Barca đang thua. Đội chủ sân Mestalla đang sống cuộc sống lành mạnh: thành công mà không phải chi quá nhiều tiền, thu nhiều hơn chi. Còn Barca, họ đang có dấu hiệu bế tắc.
Nợ của Barca giảm đôi chút so với mùa trước. Chủ tịch Sandro Rosell cũng thắt lưng buộc bụng. Nhưng “thành tích” ấy vẫn là lố bịch nếu so với việc Real Madrid giảm được tới 30% nợ trong cùng thời gian (giá trị thương hiệu của họ quá mạnh). Và tất nhiên là không thể so với Valencia.
Những người tin rằng một đội bóng thành công nhờ lò đào tạo như Barca tất nhiên sống cuộc sống lành mạnh hơn những đội bóng kiểu Chelsea hay Man City hẳn đã nhầm. Barca chi ít trên TTCN, nhưng phải trả lương quá cao để giữ vững đội hình toàn sao. Về bản chất, đó vẫn là một cách làm bóng đá phụ thuộc vào tiền bạc.
3. Với tình hình kinh tế của Tây Ban Nha nói chung và bóng đá nói riêng, đã đến lúc tất cả cùng chịu trách nhiệm về những sai lầm trong quá khứ.
Valencia dũng cảm làm điều đó, bán đi Silva, Mata và Villa, nhưng rồi sự dũng cảm cũng được đền đáp phần nào với những gì họ làm được đến thời điểm này: thứ 3 tại La Liga, bán kết Cúp Nhà Vua.
Cách duy nhất để chủ tịch Rosell giảm nợ, hay nói theo cách của ông là khắc phục đống đổ nát mà Laporta để lại, là bán bớt cầu thủ để giảm quỹ lương. Đó là một điều cần rất nhiều sự dũng cảm.
Và nếu đêm nay, Valencia thắng cả trong cuộc chiến trên sân cỏ, đó là cách tuyệt vời nhất để tôn vinh một lối sống mới của La Liga.
Bongdaplus.vn