
Mourinho hay Pep giỏi hơn và CR7 hay Messi xuất sắc hơn. Tất cả những tranh cãi ấy, so sánh kia, thật ra là thừa. Đơn giản, Mourinho - CR7 và Pep - Messi, cả hai cặp đó đều đang chiến thắng..."Tôi mong gặp lại Villanova để chào đón ông ta", Mourinho đã phát biểu như vậy khi hay tin trợ lý của Pep, người đã bị Mou móc mắt ở trận siêu kinh điển trước, phải nghỉ một thời gian. Câu nói ấy chẳng phải là lời lẽ ngoại giao bóng bẩy mà nó là cái cách châm chọc đúng thương hiệu HLV người Bồ. Sự sâu cay của nó, sự mai mỉa ẩn chứa hẳn sẽ là liều thuốc kích động khá hiệu quả đối với những đối thủ dễ say đòn. Mà trong bóng đá, say đòn là dễ bị dính đòn nhất.
Đã từ lâu người ta quen với một Mourinho luôn nói những lời kiêu ngạo và những chỉ trích khó chịu khi thua trận. Đến mức người ta quen nghĩ rằng ông có thói quen đổ lỗi. Từ ngày sang Real, ông lại càng hay nói điều đó hơn vì đối thủ ưa thích của ông chính là Barca, là đội bóng mà ông đối diện nhiều lần kể từ hồi cầm quân Chelsea tới nay. Nhưng chính khi ông nói nhiều như vậy về Barca, người nghe bắt đầu có cảm giác khác. Hình như không phải là Mou chỉ đơn giản là đổ lỗi cho một thất bại nào đó đơn thuần.

Đúng vậy, Mourinho là con người không thiếu trách nhiệm đến mức đổ lỗi cho ai đó. Nhưng vì lẽ gì ông lại có cái cách nói về Barca như vậy? Hoá ra, Mou không đơn giản chỉ nhìn vào một thất bại nho nhỏ nào đó. Ông nhận ra đối thủ của mình rất mạnh, trên cả sân bóng lẫn trong hình ảnh thương hiệu. Và ông làm theo cách của mình để đối thủ ấy bỗng dưng trở thành kẻ thù chung. Nhìn vào cách các đội ở La Liga đá với Barca quyết liệt như thế nào ở mùa này và so với những mùa trước đó, không hẳn việc Mourinho làm là không có hiệu quả.
Mourinho hiểu hơn nữa một đòi hỏi của Real là cần phải có một biểu tượng sống đủ sức hút của giới mộ điệu, một hình ảnh ngôi sao văn hoá đại chúng trên sân bóng. Thế nên Mourinho đã rất khôn khéo trong việc tạo dựng ra một CR7 đáng tầm biểu tượng văn hoá pop cho Real. Tất cả những đường chuyền tốt phải dành cho Ronaldo; tất cả các quả 11m phải là của Ronaldo và anh ta phải là linh hồn, là người được nhắc đến trước nhất ở Real.
Mou đã làm quá tốt việc ấy khi đưa CR7 thành chân sút hàng đầu của Kền kền cả hai mùa bóng liền. Điển hình là ở mùa này, ông làm còn toàn vẹn hơn khi CR7 có đủ cả: 7 bàn chân phải, 3 bàn chân trái, 2 bàn bằng đầu, 1 bàn đá phạt hàng rào và 7 bàn bằng penalty. Mourinho khéo léo xây dựng một Real phụng sự CR7 như thế và ông còn giỏi hơn nữa khi sự phụng sự ấy cân bằng với những đóng góp của các hạt nhân xung quanh. Như vậy, người ta có cảm giác rằng CR7 nổi bật giữa một tập thể toàn những anh tài xuất chúng. Và đó chính là thông điệp chung của Real, thông điệp thấm đẫm văn hoá truyền thông và biểu tượng của CLB xuyên suốt nhiều thập niên qua. Nói một cách khác, Mourinho quá nhanh nhẹn để hiểu được giá trị của Real là gì và ông đã thể hiện được giá trị đó qua thông điệp của mình, thông điệp mang tên CR7.
THÔNG ĐIỆP CỦA PEP - MESSI
Trong bối cảnh bóng đá vận hành bằng tiềm lực tài chính và thu lại cũng rất nhiều nguồn tài chính như hôm nay, có vẻ như Barca đang không tìm được hướng đi khi cứ quá kiêu ngạo gìn giữ bản sắc của mình là một CLB phi thương mại. Phi thương thì bất phú, người ta hẳn nghĩ thế và nhìn vào khoản lỗ của Barca thời kỳ Laporta, ắt hẳn nhiều người chẳng ngại ngần gì mà không nói Barca không biết làm tiền.
Nhưng rồi tất cả đều nín bặt khi cái hợp đồng quảng cáo với Qatar Foundation được ký kết với con số kỷ lục vượt mọi ước mơ của bất kỳ CLB lớn nào. Mà con số kỷ lục ấy lại sạch sẽ bởi QF không phải là một doan nghiệp mà nó đơn giản chỉ là một quỹ phát triển mang tính phi lợi nhuận nhiều hơn. Như vậy là đủ thấy cái tên Barca khiến các thương hiệu thèm muốn được sánh đôi cùng như thế nào.

Ấy vậy mà Barca vẫn điềm tĩnh như không trước các mời gọi. Bản thân họ cũng hạn chế lắm với các hợp đồng bản quyền truyền hình mang tính đại trà. Họ chắt lọc hơn và kết quả là họ thường lấy được giá cao hơn. Các cầu thủ Barca vì thế cũng được nâng tầm hơn theo tên tuổi CLB của mình. Và hợp đồng quảng cáo đến với các cá nhân tới tấp hơn: từ Messi cho tới Pique rồi Villa, Puyol, Iniesta, Xavi... Mà mỗi hợp đồng ấy Barca nhận được gì? Ít nhất là từ 40% cho tới 60% giá trị. Như vậy, họ có một nguồn thu dồi dào mà không mấy ai được biết tới.
Về khoản hợp đồng cá nhân này, Barca hơn hẳn Real bởi ở Real, chỉ có CR7, Kaka, Casillas và Ramos là đắt show quảng cáo mà thôi. Còn ở Barca, số lượng con người đắt show quảng cáo đồng đều hơn nhiều bởi các cầu thủ ở đó có vẻ đồng đều nhau về danh tiếng. Điều đó được xây dựng nên từ chính giá trị chung, văn hoá chung và truyền thống của CLB, truyền thống mang tên "Còn hơn một CLB".
Thế nên, khi có thông tin Villa bất mãn với Messi, chính Pep là người lên tiếng trước và sau đó là Messi lên tiếng phủ nhận những bất đồng kia. Có thể những lời nói ra đó chỉ là giả tạo và sự thật chỉ được vén màn khi Villa ra đi, y như kiểu Ibrahimovic đã làm, nhưng ở hiện tại, nó vẫn cho thấy Barca là một tập thể hoàn hảo.
Tại CLB đó không có sự vượt trội của một biểu tượng cá nhân mà chỉ có sự vượt trội về kỹ năng của một cá nhân so với đồng đội mà thôi. Giá trị CLB là trên hết, không một giá trị cầu thủ nào có thể được đặt trên nó. Pep đã giữ đúng cái mạch văn hoá ấy cho Barca, bằng cái cách không nhắc đến Messi quá nhiều, không yêu cầu phải dồn cho Messi quá nhiều ưu ái một cách lộ liễu. Ông thầm lặng, muốn mọi người cũng thầm lặng nâng cánh cho Messi một cách đầy ẩn ý chứ không phô trương như cái cách mà CR7 được tung hô ở Bernabeu.

Và ông cũng im lặng trước mọi công kích từ Mourinho, để cho ông và Barca được thương yêu theo kiểu một đối tượng thật tội nghiệp trước sự ghen ghét của đối tượng khác. Hình ảnh chung của Barca vẹn tròn như thế, hình ảnh Messi dù sáng rực rỡ nhưng vẫn không vượt qua đồng đội như thế, tất cả tựu trung lại, chính là thông điệp về giá trị tập thể của Barca mà Pep đã đưa ra thông qua những gì ông làm với cái tên Messi và những người xoay quanh.
Thay lời kết, chỉ có thể nói rằng có thể trên sân Real hay Barca thắng 1 trận nào đó, một giải nào đó nhưng ở hành trình chung, cả hai đều đang chiến thắng khi thể hiện đúng hình ảnh giá trị của mình. Thử hỏi, hai mùa bóng vừa qua, CLB nào trên thế giới được nhắc tới nhiều hơn họ? Và trong chiến thắng ấy, cả Pep lẫn Mourinho đều có cùng một điểm chung, không phải là sử dụng một cái tên học trò đủ tầm huyền thoại, mà là họ đã ngày một tóc bạc thêm nhiều bởi để tư duy đúng đường cho việc thể hiện giá trị CLB như thế thực sự khó lắm...
Bongdaplus.vn