Tình huống Casillas mắc sai lầm - Ảnh Getty
Những CĐV Costa Rica có mặt ở sân San Jose, và cả những người theo dõi trực tiếp trận Costa Rica - Tây Ban Nha qua truyền hình, có thể tự hào rằng họ là những người may mắn nhất. Không đơn giản là vì họ được chiêm ngưỡng tài năng của những nhà đương kim vô địch châu Âu và thế giới. Mà vì họ còn được làm chứng nhân cho hai khoảnh khắc "lịch sử" của bóng đá Tây Ban Nha nói chung và Iker Casillas nói riêng. Khoảnh khắc thứ nhất là khi Casillas dẫn các cầu thủ áo Đỏ (thực ra trận này mặc áo Trắng) ra sân: Đó là trận đấu thứ 127 của anh cho TBN, một kỷ lục mới. Và khoảnh khắc thứ hai, diễn ra ở phút 31 của trận đấu, là khi Casillas khống chế hỏng một pha bóng, tạo điều kiện cho Brenes mở tỉ số của trận đấu.
Bóng đá Tây Ban Nha đã phải chờ cả trăm năm cho một thủ môn như Casillas, người đã liên tiếp nâng cao chức vô địch châu Âu rồi thế giới với chiếc băng đội trưởng trên tay, đã xô đổ hàng loạt kỷ lục, mà kỷ lục mới nhất (cũng là vĩ đại nhất) chính là kỷ lục về số trận đấu cho đội tuyển mà Zubizarreta đã nắm giữ hàng thập kỷ. Và những người đã dõi theo Casillas cũng phải chờ cả thập kỷ để "được" thấy một sai lầm như sai lầm mà anh đã phạm trong trận đấu với Costa Rica. Dùng chân thực sự chưa bao giờ là điểm mạnh của Casillas. Nhưng trong những lúc nguy nan nhất mà không thể dùng tay, anh luôn đủ tỉnh táo để đưa ra những lựa chọn an toàn. Chứ không phải là cố đỡ bóng bằng chân... phải khi đang lao ra, để rồi phải rơi vào cảnh ê chề như thế.
Không ai dám đặt câu hỏi về tính chuyên nghiệp của Casillas. Nhưng có lẽ, Casillas đã chẳng mất tập trung tới độ phạm phải một sai lầm ngớ ngẩn như thế nếu trận đấu với Costa Rica không phải là một trận giao hữu. Mà không chỉ có Iker, phần lớn những đồng đội của anh, nhất là những người đã đủ đầy danh hiệu, đều chẳng muốn phải ra sân ở những trận đấu như thế này. Và nếu đã phải ra sân, thì họ cũng không chơi hết sức, và chẳng ai có thể yêu cầu họ làm điều đó. Tại sao lại phải tới Costa Rica? Liên đoàn thiếu tiền tới mức phải biến đội tuyển của mình thành gánh xiếc rong, ai mời cũng nhận, miễn là có tiền? Nếu để rèn quân, sao không tổ chức giao hữu ngay ở châu Âu, điều mà Brazil ở thời "đỉnh cao xiếc rong" của mình đã làm rất tốt?
Những kết quả tệ hại của TBN ở các trận giao hữu sau World Cup 2010 giống như một thông điệp, không, rõ ràng là một thông điệp, mà chỉ các quan chức ở Liên đoàn là không chịu hiểu...
Xấu mặt vì giao hữu* 2010 Mexico-TBN 1-1 Argentina-TBN 4-1 BĐN-TBN 4-0 2011 TBN-Colombia 1-0 Mỹ-TBN 0-4 Venezuela - TBN 0-3 Italia-TBN 2-1 TBN-Chile 3-2 Anh-TBN 1-0 Costa Rica-TBN 2-2 * Chỉ tính sau World Cup 2010 |
V.C
Thethaovanhoa.vn