Người Pháp không thích 'săn đầu người'
“SỔNG” NHÂN TÀI VÌ TUYỂN TRẠCH VIÊN KÉM
Samuel Eto’o, Miroslav Klose, Luis Suarez và Roberto Lewandowski, tất cả đều đã có thể gia nhập Ligue 1 từ khi chưa nổi danh. Nhưng người Pháp đã không biết nắm bắt cơ hội sở hữu những tài năng hàng đầu thế giới. Eto’o thời trẻ từng thử việc bất thành tại PSG, Le Havre, St.Etienne cho đến khi được Real Madrid “vồ lấy” vào năm 1996. Klose khi mới 15 tuổi đã được Auxerre quan tâm, nhưng sau thời gian theo dõi đội bóng Pháp kết luận “Klose không có khả năng phát triển”. Năm 2011, Luis Suarez muốn tới Marseille song bị Deschamps (lúc đó làm HLV trưởng Marseille) chê “tư duy chiến thuật yếu” nên mới quay sang Liverpool. Còn Lewandowski thời khoác áo Lech Poznan đã nằm trong tầm ngắm của Lens. Đội bóng Pháp cử tuyển trạch viên sang Ba Lan xem giò cẳng Lewandowski và sau đó… rút lui vì không thấy điểm gì hứa hẹn ở tiền đạo sau này trở thành sát thủ hàng đầu châu Âu.
Đó là những ví dụ điển hình cho thấy các đội bóng Pháp rất yếu trong khâu “đãi cát tìm vàng” trên TTCN. Vấn đề ở đây thuộc về các tuyển trạch viên (scout), những người có nhiệm vụ theo dõi và đánh giá chính xác năng lực và tiềm năng của các mục tiêu. Các đội bóng Pháp quá tự tin vào hệ thống đào tạo trẻ chất lượng hàng đầu châu Âu nên lơ là trong việc tìm tòi những gương mặt mới bên ngoài biên giới nước Pháp. Hậu quả là nghề tuyển trạch viên gần như “tuyệt chủng” tại Ligue 1 dù đó là một vị trí quan trọng ở các nền bóng đá lớn khác. Brighton, một đội hạng nhất Anh, “cài cắm” 12 scout chỉ có nhiệm vụ du lịch vòng quanh thế giới để tìm nhân tài. Trong khi Marseille và PSG chỉ có 3 tuyển trạch viên quanh quẩn ở châu Âu. Ở Lyon, thậm chí chỉ có một mình cựu tiền vệ Florian Maurice làm công tác “săn đầu người”.
“Đó là vấn đề thuộc về văn hóa bóng đá. Các CLB Pháp không chủ trương xây dựng mạng lưới phát hiện cầu thủ bên ngoài nước Pháp”, HLV Marcelo Bielsa nhận xét sau 2 năm làm việc tại Ligue 1. Ở Ligue 1, các CLB lớn (Marseille, PSG) thích mở các trung tâm đào tạo ở châu Phi cho chiến lược dài lâu hơn là trông vào đám tuyển trạch viên lùng sục khắp mọi ngõ ngách trên địa cầu như các nền bóng đá láng giềng. Thế nên, tại giải U20 World Cup mới diễn ra ở New Zealand, các scout từ Anh, Italia, Đức, TBN tràn ngập khán đài, trong khi Monaco là đội bóng Pháp duy nhất cử trinh sát tới theo dõi. Ở Premier League, một CLB lớn cỡ Arsenal tốn khoảng 7 triệu euro/năm trả lương cho các tuyển trạch viên, con số đó tại Ligue 1 là… 200.000 euro.
HẠN CHẾ VỀ NHIỀU MẶT
Chính vì công việc tuyển trạch viên không được coi trọng, nên chất lượng các scout tại Pháp cũng không cao. Họ hầu hết là các cựu cầu thủ, những người… không có chuyên môn gì ngoài đá bóng. Họ làm scout như một công việc tay ngang, không đặt nặng vấn đề kiếm tiền nên cũng không nhiều nhiệt huyết với công việc.
Trong khi đó ở châu Âu nghề scout không bó hẹp trong đội ngũ cựu cầu thủ. Điển hình như tại Anh, các CLB chào đón tất cả mọi thành phần trong xã hội tham gia làm scout miễn là yêu nghề không kể bác sĩ, giáo viên, dịch giả hay nhà môi giới bất động sản. Điều đó tạo ra một mạng lưới scout vô cùng lớn và rộng khắp. Ít ai biết rằng, người phát hiện ra tài năng của Gareth Bale là một giám đốc doanh nghiệp bưu thiếp 60 tuổi. Khi làm scout cho Tottenham, doanh nhân này đã được học những khóa đào tạo nghiệp vụ trong đó có cả việc tham khảo dữ liệu cầu thủ trên trò chơi quản lý bóng đá “Football Manager”.
Một điểm khác biệt căn bản giữa tuyển trạch viên tại Pháp và châu Âu là trọng lượng của tiếng nói. Các scout tại Pháp không được giới chủ CLB coi trọng, những báo cáo của họ chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Trong khi đó tại Anh hay Tây Ban Nha, những thông tin từ tuyển trạch viên mang ý nghĩa quyết định đến việc có mua cầu thủ đó hay không. Trở lại với câu chuyện Gareth Bale, vị giám đốc doanh nghiệp đã thu thập đầy đủ thông tin chi tiết về Bale ở Southampton. Và khi lãnh đạo Tottenham nhận được bản báo cáo chi tiết về tài năng trẻ Xứ Wales, họ đã không mảy may đắn đó chi 5 triệu bảng mua cầu thủ lúc đó mới 18 tuổi.
Scout là gì?
Scout (từ tiếng Anh) trong bóng đá châu Âu dùng để chỉ bộ phận trinh sát của một CLB. Có hai dạng scout gồm player scouts (trinh sát cầu thủ) và tactical scouts (trinh sát thông tin chiến thuật, lối chơi của đối thủ). Trong đó, player scouts hay còn gọi là tuyển trạch viên, đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch chuyển nhượng của CLB. Họ có nhiệm vụ phát hiện tài năng, đánh giá chi tiết về cầu thủ cần mua, cung cấp thông tin toàn diện cho CLB về cầu thủ đó.
Không thể thiếu Wyscout
Giờ đây, các tuyển trạch viên sử dụng triệt để công nghệ cao vào công việc tìm kiếm, theo dõi cầu thủ. Điển hình là 100% tuyển trạch viên bóng đá ở châu Âu đều sử dụng phần mềm Wyscout để lấy thông tin cầu thủ. Phần mềm này ra đời vào năm 2004 tại Genoa, chuyên cung cấp những thông tin đa phương tiện (hình ảnh, video) được cập nhật thường xuyên. Không dưới 220.000 cầu thủ từ mọi hạng đấu ở châu Âu có hồ sơ chi tiết trên Wyscout. Để sử dụng phần mềm giá trị này, các CLB phải trả phí khoảng vài ngàn euro mỗi năm.