Monaco: Kết cục tất yếu của một “món đồ chơi”
TẠI SAO MONACO BÁN NGÔI SAO?
Trên đài phát thanh quốc gia Colombia, cha của Radamel Falcao, ông Garcia, giải thích lý do tại sao con trai mình chỉ khoác áo Monaco đúng một mùa và chấp nhận sang chơi cho Manchester United mà không có cơ hội được tranh tài tại Champions League. “Con trai tôi từng rất hài lòng, hãnh diện khi ký hợp đồng 5 năm với Monaco. Nhưng thật bất hạnh, mọi thứ không giống với những gì cách đây 1 năm. Họ (Monaco) đã bán đi tất cả những cầu thủ từng dày công, tốn tiền mua về. Họ đã thay đổi. Và chúng tôi thì chẳng thể làm gì”, ông Garcia tuyên bố.
Như vậy, một phần nguyên nhân đã được hé lộ. Cả 3 ngôi sao sáng giá nhất của Monaco mùa trước là Falcao, James Rodriguez và Riviere đã được đẩy đi, dù trên thực tế họ từng tiết lộ không hề muốn ra đi.
Mới chỉ hơn 1 năm trước, Monaco làm khuynh đảo châu Âu với chính sách chuyển nhượng và kế hoạch phát triển theo đúng lộ trình của một đại gia: mua “bom tấn” (Falcao tốn tới 60 triệu euro, bộ đôi James - Joao Moutinho là 70 triệu euro), thu hút các ngôi sao dày dạn kinh nghiệm (Eric Abidal, Ricardo Carvalho, Jeremy Toulalan) và chiêu mộ các tài năng trẻ (Anthony Martial, Geoffrey Kondogbia). Một dự án mà bất cứ ai yêu mến bóng đá cũng phải gật gù khen ngợi, bởi nó quá thông minh, hợp lý và cơ bản nhất là rất khả quan để phát triển lâu dài.
Song, mọi thứ quay ngoắt 180o. Giờ đây, Monaco sẵn sàng bán đi những ngôi sao sáng nhất của mình, không quan tâm việc đó ảnh hưởng thế nào tới thành tích của CLB!
James Rodriguez
KHI ÔNG CHỦ CHÁN BÓNG ĐÁ
Vấn đề của Monaco không phải là tiền. Dù Luật công bằng tài chính có tác động rõ rệt tới cách chi tiêu của đội bóng, một tài phiệt như Rybolovlev biết phải làm gì để có thể lách luật. Nhưng Rybolovlev, sau vụ ly hôn tốn kém với bà vợ Elena (mất gần một nửa trong tổng tài sản ước tính 8 tỷ euro), có vẻ như đã mất hẳn hứng thú với bóng đá. Cộng với việc Monaco không “hấp dẫn” như Rybolovlev mong đợi - số khán giả tới sân trung bình mùa trước chỉ hơn 8.000, và đội bóng vừa buộc phải quay lại với nhà tài trợ cũ FedCom sau khi thất bại trong việc thu hút nhà tài trợ mới - ông buộc phải xem lại cách làm bóng đá của mình.
Tuy nhiên, việc ban tổ chức Ligue 1 nhất quyết yêu cầu Monaco phải chấp hành những quy định mới về thuế thu nhập cá nhân, trong đó những người có thu nhập trên 1 triệu euro/năm phải chịu mức thuế lên tới 75%, mới là yếu tố quyết định khiến Rybolovlev quyết định “giải tán” bộ máy đắt giá mà ông đã tốn công, và tốn tiền, tạo dựng. Những người như Falcao, với thu nhập trước thuế lên tới 12 triệu euro/năm, đơn giản là không có “đất sống” ở sân Louis II nữa.
Giấc mơ “hóa rồng” của Monaco, do đó, đã sụp đổ ngay khi nó còn chưa thực sự kịp bắt đầu. Một hệ quả mà chúng ta có thể nhìn thấy trước, bởi Monaco, như Malaga hay những đội bóng đang mơ giấc mơ đổi đời sau 1 đêm khác, suy cho cùng chỉ là một món đồ chơi người ta sẵn sàng vứt bỏ khi đã chán...
176. 176 triệu euro là số tiền chênh lệch mà Monaco chi ra trên TTCN ở 2 mùa Hè vừa qua. Năm 2013, họ bỏ ra 184 triệu euro để mua sao, thì năm nay, con số này chỉ khiêm tốn là 8 triệu euro. Trong khi đó, Monaco đã kiếm được 100,2 triệu euro từ bán cầu thủ, riêng tiền bán James Rodriguez đã là 80 triệu euro.