Toàn cảnh Ligue 1 2014/15: Các đội bóng thay đổi ra sao?
* Tổng hợp tin chuyển nhượng ngày 5/8
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
LYON ỔN ĐỊNH, MONACO XÁO TRỘN
Đã qua rồi cái thời Lyon là ông trùm chuyển nhượng tại Ligue 1. Bây giờ là tình cảnh hoàn toàn ngược lại, đội bóng từng 7 lần vô địch Ligue 1 thu mình một cách tối đa. Hạn chế chi tiêu trên TTCN, ổn định lực lượng cho chiến lược lâu dài. Đó là hai mục tiêu hàng đầu của chủ tịch Jean Michel Aulas. Thế nên tới lúc này Lyon mới chi 2,8 triệu euro để mang về 2 tân binh Jallet (từ PSG) và Lindsay Rose (Valenciennes). Trong 36 cầu thủ đăng ký mùa trước vẫn còn 28 người tiếp tục chơi mùa này, tương đương tỷ lệ 78%. Đây là tỷ lệ cao nhất Ligue 1 mùa này, cho thấy Lyon là đội ổn định nhất về lực lượng sau hai mùa giải.
Ngược lại với Lyon là Monaco, đội bóng đã làm cuộc cách mạng lực lượng kể từ khi thăng hạng. Trong 35 cầu thủ mùa trước hiện chỉ còn 15 người tồn tại dưới thời tân HLV trưởng Leonardo Jardim, tương đương tỷ lệ 44% (thấp nhất Ligue 1). Đội bóng Công quốc hiện vẫn trong quá trình gây dựng lực lượng để chinh chiến tại Champions League. Vì thế trong thời gian tới Monaco sẽ tiếp tục xáo trộn về lực lượng.
Nhà ĐKVĐ PSG có 68% số cầu thủ còn sót lại từ mùa trước (19/28). Đây là tỷ lệ khá cao cho thấy HLV Laurent Blanc đã phần nào yên tâm về lực lượng hùng mạnh và có chiều sâu. Hơn nữa đội bóng thành Paris cũng vướng luật công bằng tài chính châu Âu nên không thay đổi nhiều về nhân sự.
MONACO BÁN CẦU THỦ KỶ LỤC
Monaco đã thu về 80 triệu euro nhờ bán James Rodriguez cho Real Madrid. Ngoài ra họ còn đẩy Riviere sang Newcastle (6,32 triệu euro) và Kagelmacher sang 1860 Munich (200.000 euro). Tính ra, đội chủ sân Louis II đã thu về tổng cộng 86,52 triệu euro tiền bán cầu thủ trong Hè này, con số kỷ lục trong lịch sử CLB. Cần biết rằng tổng số tiền bán cầu thủ của 19 CLB khác gộp lại cũng chỉ có 82,9 triệu euro, chưa bằng một mình Monaco. Vụ bán James Rodriguez quả là món hời khổng lồ cho Monaco.
Nhìn sang PSG, nhà ĐKVĐ Ligue 1 mới chỉ thu về 1 triệu euro nhờ bán Jallet sang Lyon. Con số này có thể tăng lên trong thời gian ngắn tới nếu PSG thanh lý tiếp Lavezzi hoặc Pastore. Tuy nhiên PSG chỉ bán những cầu thủ không thực sự quan trọng, còn Monaco không thể giữ chân cầu thủ quan trọng nhất. Đó là sự khác biệt rõ nét giữa hai thế lực mạnh nhất Ligue 1 thời điểm này. PSG với tiềm lực tài chính và lực lượng hùng mạnh đã có thể chủ động trên TTCN. Trong khi Monaco vẫn chưa đủ tầm để từ chối những lời đề nghị hấp dẫn.
Ở khía cạnh mua cầu thủ, PSG vẫn là ông trùm với 49,5 triệu euro chi ra từ đầu Hè cho một mình David Luiz. Monaco xếp thứ hai với 24 triệu euro cho 3 cầu thủ Abdennour (13 triệu euro), Bakayoko (8) và Nardy (3). Có tới 3 CLB thậm chí chưa chi đồng nào là Reims, Lens, Bastia. Điều đó phản ánh hố sâu ngăn cách quá lớn giữa các gã nhà giàu PSG, Monaco và phần còn lại.
XU THẾ CHUYỂN NHƯỢNG NỘI BỘ
Mua cầu thủ trong nước bao giờ cũng thuận lợi hơn mua ngoại binh. Các đội bóng Ligue 1 rất quán triệt tinh thần này. Ligue 2 là nơi cung cấp nhiều tân binh nhất cho Ligue 1 mùa Hè này với tổng cộng 31 người. Tiếp theo chính là Ligue 1 với 28 cầu thủ mua bán qua lại giữa các đội bóng ở hạng đấu cao nhất. Nhìn chung, các đội bóng Pháp ưa thích cầu thủ nội địa vì ưu điểm giá rẻ và dễ thích nghi.
Tính ngoài biên giới nước Pháp, Bỉ cung cấp nhiều tân binh nhất cho Ligue 1 Hè này với 11 cầu thủ. Đây không phải một hiện tượng lạ vì từ trước tới nay, giải vô địch Bỉ luôn được xem là sân sau của Ligue 1. Rất nhiều cầu thủ Bỉ phải tới khi sang Pháp thi đấu mới khẳng định tên tuổi như Hazard, Origi, Van Buyten, Mirallas… Điều đáng chú ý là ở chiều ngược lại, giải VĐQG Bỉ cũng dẫn đầu về việc nhập khẩu cầu thủ Ligue 1. Cụ thể từ đầu mùa chuyển nhượng đã có 12 cầu thủ rời Ligue 1 sang chơi bóng tại Jupiler League.
Ngoài Bỉ, Ligue 1 Hè này còn xuất khẩu khá nhiều cầu thủ sang Anh (8 người), Italia (6 người) và TBN (5 người). Những giải vô địch hàng đầu châu Âu luôn chào đón các tài năng từ Ligue 1 như một nguồn cung chất lượng.