Nếu Dortmund rớt hạng...
Một mặt, họ sở hữu quá nhiều ngôi sao, và trong điều kiện tài chính hạn hẹp của bóng đá Đức thì giải quyết quỹ lương khổng lồ cho những ngôi sao vô địch World Cup là nhiệm vụ không thể hoàn thành đối với một đội hạng Nhì. Mặt khác, các ngôi sao Dortmund đâu thể cam tâm chôn vùi tên tuổi ở giải hạng Nhì!
Henrikh Mkhitaryan nói thẳng trong đợt chuyển nhượng giữa mùa vừa qua: anh muốn ra đi. Bất kể mùa bóng kết thúc ra sao, Mkhitaryan sẽ là “hàng hot” trong đợt chuyển nhượng mùa Hè sắp tới, bởi anh từng lọt vào tầm ngắm của Liverpool từ lâu.
Tương tự là trung vệ nổi tiếng Mats Hummels mà báo giới đã nhiều lần xếp vào đội hình dự kiến của M.U. Giống như Mkhitaryan, Hummels thuộc diện ngôi sao mà Dortmund khó giữ kể cả khi họ thành công, huống hồ là trong hoàn cảnh rớt hạng.
Ilkay Guendogan, Pierre-Emerick Aubameyang, và đặc biệt là Marco Reus, cũng sẽ ra đi. Reus hẳn đang hối hận khi nhìn vào Mario Goetz và Toni Kroos. Tài nghệ chẳng kém, nếu không muốn nói là Reus còn hay hơn hai nhà vô địch World Cup kia. Vậy mà bây giờ, khi Goetz bay bổng trong màu áo Bayern Munich, Kroos cũng thành công với quyết định “bay” từ Bayern sang Real Madrid, thì sự nghiệp của Reus xem chừng lại đi xuống vì anh lỡ chọn màu áo Dortmund.
Aubameyang và Guendogan thì không phải bàn quá nhiều. Họ đều là những “chiến binh” thực thụ của bóng đá nhà nghề và chưa bao giờ xem trọng lòng trung thành qua việc gắn bó với một đội bóng thất bại.
Ngoại trừ Bayern Munich vốn là trường hợp đặc biệt, với hàng loạt cơ chế phức tạp, vượt hẳn phạm vi bóng đá, Bundesliga chưa bao giờ là nơi hấp dẫn các nhà đầu tư. Với quy định “50+1” luôn đứng vững, các đội bóng Đức đều thuộc sở hữu công cộng, nghĩa là không thể có cá nhân nào đổ tiền vào một đội bóng hạng Nhì để nhanh chóng biến đội bóng ấy thành một thế lực, kiểu như Monaco tại Pháp.
Mùa tới, Dortmund sẽ thất thu nghiệm trọng vì họ chắc chắn không được chia tiền ở Champions League (nhờ thị trường lớn, tiền chia từ Champions League cho các đội Đức tham dự giải này khi nào cũng nhiều). Còn nếu phải chơi ở giải hạng Nhì, khó có chuyện sân Signal-Iduna Park của Dortmund luôn đầy ắp khán giả như thường thấy nữa.
Tóm lại, sẽ có hẳn một núi khó khăn về tài chính. Khoan nói chuyện các ngôi sao muốn đi, Dortmund có khi còn phải tính chuyện bán tống bán tháo để vừa thu tiền chuyển nhượng, vừa không phải trả lương cho mớ ngôi sao hiện thời. Đấy mới là kế sách lâu dài.
Cứ nhìn lại bài học cũ từ Leeds United ở Anh. Đội này từng cố duy trì đội hình hào nhoáng sau khi rớt hạng, hòng nhanh chóng trở lại Premier League. Rút cuộc, họ càng chìm sâu vào khủng hoảng và thay vì ngoi lên Premier League, Leeds từng rớt luôn xuống giải hạng Ba.
Chữ “nếu” to đùng đang thật sự ám ảnh tất cả những ai liên quan đến Borussia Dortmund trong những ngày này.
Rớt hạng thì... khổ cho cả thành phố
Nếu đấy là Queens Park Rangers, West Ham hoặc Crystal Palace ở Premier League, sẽ chẳng có vấn đề gì đối với thủ đô London. Tại đấy còn có Tottenham, Chelsea hoặc Arsenal. Và, suy cho cùng, dù không xem bóng đá, người ta vẫn phải biết đến London.
Dortmund thì khác. Thành phố lớn thứ 8 nước Đức chỉ có mỗi Borussia Dortmund. Du lịch ư? Có gì để xem tại cái thành phố công nghiệp đã gắn chặt với than và sắt thép suốt hàng trăm năm? “Du lịch bóng đá” thì may ra.
Đường phố Dortmund liệu có còn tấp nập khi CLB duy nhất của thành phố xuống chơi ở Bundesliga 2?
Năm 2013, khi Dortmund vừa tranh chung kết Champions League với Bayern Munich, đội nhận được 508.567 đơn đặt hàng về vé nguyên mùa trước mùa bóng mới. Trừ đi số lượng trẻ em, người già và những người không xem bóng đá, lấy đâu ra con số ấy khi dân số thành phố Dortmund chỉ là 580.956 người? Có một số lượng không nhỏ đặt vé nguyên mùa... từ nước ngoài.
Chỉ riêng tại Anh, đã có hàng ngàn người thường xuyên sang Đức mỗi dịp cuối tuần để xem bóng đá! Matthew Gerrard, từ vùng Kent, nói: “Tôi chỉ mất 65 bảng để di chuyển, trọ qua đêm, xem Dortmund chơi bóng và uống bia. Ở Anh, tôi phải mất 51 bảng để xem một trận của Arsenal. Tôi thà sang Đức, vui và rẻ hơn”.
Tính ra, người mua vé nguyên mùa chỉ mất 9 bảng cho một trận đấu tại sân Signal-Iduna Park. Quá rẻ. Cạnh đó là 56 bảng được chi tiêu cho những lĩnh vực liên quan (suy ra từ cái giá 65 bảng trong ví dụ trên).
Kinh tế Dortmund sẽ ảnh hưởng như thế nào trong trường hợp thành phố này không còn đại diện ở Bundesliga? Tại Anh, chuyên gia tài chính Rob Wilson của trường đại học Sheffield Hallam đã tính ra rằng thành phố Birmingham sẽ mất hàng chục triệu bảng trong trường hợp Birmingham và Aston Villa rớt hạng.
Đấy là chưa kể, khi cái tên Dortmund không được nhắc đến hàng ngày, hàng tuần, thì vị thế của thành phố này cũng sẽ yếu đi trên bản đồ thể thao quốc tế. Hy vọng tổ chức các sự kiện lớn sẽ giảm đi, kéo theo hàng loạt bất lợi trong mọi lĩnh vực. Người dân Dortmund không nhất thiết phải là cổ động viên bóng đá thì mới đau buồn khi Borussia Dortmund rớt hạng.