Lăng Kính: Người Đức thoáng tính
Cứ xét theo cảm quan ấy, thì chắc chắn là cầu thủ Tây Ban Nha phải lãng mạn, phải tình cảm, phải yếu mềm hơn cầu thủ Đức. Lối chơi của Bò tót được bọc trong một dáng vẻ quá hào hoa.
Nhưng đó chỉ là định kiến. Trong số 2 nền đào tạo bóng đá dẫn đầu châu Âu, người Tây Ban Nha bây giờ khắc nghiệt hơn so với Đức trong rèn giũa nghị lực cầu thủ. Iniesta tâm sự rằng anh đã “khóc thành sông” năm 12 tuổi khi phải chia tay gia đình để gia nhập lò La Masia. Đó cũng là độ tuổi chung mà các “hạt giống” của Barca sẽ phải tới ăn ở tập trung tại ký túc.
Người Đức dễ tính hơn nhiều. Lò đào tạo Bayern Munich cho phép cầu thủ được sống cùng gia đình đến tận năm 15 tuổi, rồi sau đó mới phải dọn đến ký túc xá.
Ai cũng hiểu rằng trong sự phát triển của một nam thiếu niên, cái giai đoạn 12 đến 15 tuổi ấy quan trọng như thế nào. Đó là lúc họ bắt đầu dậy thì, biến đổi hoàn toàn về tâm lý và thể chất. Việc sống cùng gia đình và sống trong môi trường “quân đội” lúc này tạo ra những thói quen kỷ luật cực kỳ khác biệt.
2. Cũng căn cứ trên cảm quan, sẽ thật vô lý nếu nói rằng đội tuyển Tây Ban Nha lạnh lùng hơn đội tuyển Đức. Nhưng đang có nhiều bằng chứng để đưa ra phát biểu ấy.
Tây Ban Nha đã ru ngủ cả thế giới với lối “phòng ngự tiqui-taca” ở EURO 2012. Những đường chuyền qua lại được thực hiện với tần suất dày đặc, khiến đối thủ không thể có bóng. Đơn điệu, nhàm chán, mệt mỏi. Để rồi trận đấu chỉ được kết liễu với một đường chuyền đột phá.
Để triển khai lối chơi ấy, họ phải nhẫn nại, vô cảm, không được phép để một chút nôn nóng nào xen vào cái thế trận trêu ngươi ấy. Họ phải duy trì sự tập trung cực đại để độ chính xác của các đường chuyền bằng nhau từ phút đầu tiên đến phút 90.
Còn với bóng đá Đức, sự bốc đồng đã đến cùng sự đẹp mắt. Trận hòa kinh điển với Thụy Điển rạng sáng qua chỉ là giọt nước tràn ly. Nền bóng đá này đã từ lâu phải mang tiếng không có bản lĩnh. Bayern và Mannschaft đều có dáng vẻ của những người khổng lồ trên đôi chân đất sét. Họ biết cách thua khi không ai dám nghĩ rằng họ thua.
3. Khi dư luận có ý kiến về việc nhiều cầu thủ không phải gốc Đức trong đội hình Mannschaft không hát quốc ca, Joachim Loew tuyên bố: “Mọi chuyện là do ý nguyện của cầu thủ”. Rất thoáng.
Sự áp đặt không phải lúc nào cũng có giá trị, nhưng nó luôn cần thiết trong một tập thể, đặc biệt là khi tập thể ấy phải tham dự những cuộc chiến cần rất nhiều kỷ luật. Lối chơi của Đức bay bổng thật, nhưng vẫn dựa chủ yếu vào sự chuẩn xác trong phối hợp, chứ không phải ngẫu hứng cá nhân để có thể sống và tư duy kiểu hoang dã như các danh thủ Brazil.
Có phải chính sự thoáng tính bất thường của các nhà quản lý bóng đá Đức thời đại này đã tạo ra một đội tuyển dị thường như tại Berlin?