
Xứ sương mù vẫn khan hiếm cầu thủ bản địa
Sự khó khăn của Roy Hodgson càng dễ nhận ra khi nhìn vào danh sách cụ thể. Những đội bóng sử dụng nhiều cầu thủ Anh nhất lại là các CLB “chiếu dưới”, như Southampton hay Norwich (cùng 6 người), QPR và Stoke City (5 người).

Premier League vẫn luôn nổi tiếng vì sự lấn át của cầu thủ nước ngoài so với cầu thủ bản địa, nhưng chưa bao giờ tỷ lệ lên tới 70-30 như hiện nay. Trước đây, tỷ lệ này thường chỉ dừng lại ở mức 55-45 như tại Bundesliga. Nếu đem so sánh với La Liga hay Ligue 1, đó là một hiện trạng hoàn toàn tương phản.
Mong Oxlade-Chamberlain “lớn” thật nhanh!
Từng được coi là bất ngờ ở lần triệu tập đội tuyển chuẩn bị cho EURO 2012, nhưng chỉ sau vài trận thi đấu trong màu áo ĐTQG, Oxlade-Chamberlain đang dần chứng tỏ được sự mới mẻ và khả năng của mình. Trong bối cảnh Tam sư cứ phải sống dựa vào những cựu binh, thì sự xuất hiện của Oxlade-Chamberlain rõ ràng mang theo nhiều hy vọng. Anh là nhân tố mới hiếm hoi tỏ ra thích ứng ngay với thách thức trong màu áo ĐTQG.
Từ ngày Beckham ra mắt Tam sư (16 năm trước, ở trận gặp Moldova) cho đến khi anh chính thức tiếp nhận tấm băng đội trưởng là một quãng thời gian khá dài. Nhưng NHM kỳ vọng, Oxlade-Chamberlain sẽ “lớn” nhanh hơn người đàn anh. Hai năm nữa VCK World Cup sẽ bắt đầu. Hai năm, nước Anh khó lòng tìm được những nhân tài sáng giá cho ĐTQG nếu nhìn vào thực trạng tre đã già mà măng mãi chưa chịu mọc như lúc này. Nhưng 2 năm có lẽ là quãng thời gian quá đủ để Oxlade-Chamberlain lớn dần, trở thành chiếc chìa khóa vàng trong tương lai của ĐT Anh.
Hy vọng thế. Hy vọng Roy Hodgson đang đặt niềm tin đúng chỗ. Hy vọng Oxlade-Chamberlain sẽ lớn một cách bài bản, chứ không bị thui chột tài năng giống như không ít cầu thủ bị ví von là hậu bối cho huyền thoại này, người kế thừa huyền thoại kia…
CẦU THỦ BẢN ĐỊA RA SÂN CUỐI TUẦN TRƯỚC
La Liga: 64,3%
Ligue 1: 62,7%
Serie A: 52,1%
Bundesliga: 45%
Premiership: 31,6%