Từ chuyện Chelsea bị loại khỏi Champions League: Bóng đá Anh chỉ mạnh với người Anh!
Chelsea của Mourinho: Thằng chột làm vua xứ mù
Bạn nghĩ sao khi hồi tháng 1, nước Anh từng hào hứng đặt ra câu hỏi: Chelsea “vô đối” của họ sẽ tiến xa tới đâu tại Champions League, có bao nhiêu % cơ hội vô địch. Họ cũng có căn cứ để đặt niềm tin lắm chứ, bởi về bản lĩnh, phong độ và lực lượng, đoàn quân dưới trướng Jose Mourinho thực sự đáng sợ. Real Madrid hay Bayern Munich ư? Cứ tới đây, Stamford Bridge sẽ trở thành "mồ chôn" tất cả.
Về bản chất, sức mạnh “vô đối” của Chelsea đến từ 2 cái tên: Diego Costa và Cesc Fabregas. Nhìn họ “làm mưa làm gió” tại Premier League, người Anh cười khẩy: Các CLB Tây Ban Nha thật chẳng biết giữ và trọng dụng nhân tài. Thực tế thì sao? Costa quan trọng thật, nhưng Atletico Madrid lại chưa bao giờ phụ thuộc vào bất kì cá nhân nào. Còn với Barca, Fabregas cũng chẳng hơn gì Ivan Rakitic. Họ tài năng, nhưng chẳng phải “không thể thay thế” cỡ Cristiano Ronaldo, Lionel Messi hay thậm chí Gareth Bale, Neymar.
Có phải ngẫu nhiên không khi mà Costa, một tiền đạo ghi tới 11 bàn sau 10 vòng đấu đầu tiên của Premier League lại bỗng dưng vô hại ở Champions League? Fabregas, như đã thấy, nhợt nhạt, vô hồn đến tội nghiệp trước “gọng kềm” Thiago Motta và Marco Verratti. Lối chơi của bộ đôi La Liga có thể xa lạ với người Anh vốn quen chơi bóng đơn giản, nhưng lại quá đỗi quen thuộc với các đội bóng châu Âu. Kết quả là một Chelsea “hoàn hảo” ở Premier League trở thành Chelsea “bình thường” ở Champions League. "Siêu tiền đạo" Costa không một lần lập công, "siêu kiến tạo" Fabregas mới có 3 pha chuyền bóng thành bàn.
Costa "tịt ngòi" ở châu Âu
Premier League còn gì để tự hào?
Người Anh giờ đây có lẽ chẳng còn dám ngợi ca Premier League là giải đấu “hấp dẫn nhất hành tinh” nữa. Niềm tự hào của họ vẫn sôi nổi, vẫn tốc độ, vẫn hút bộn tiền, nhưng các đội bóng lớn ở Anh đã không còn gì để mà kiêu hãnh. Bởi hai năm liên tiếp, Chelsea, CLB mạnh nhất nước Anh (hay ít ra, thành công nhất tại châu Âu trong vài năm trở lại đây), đều không thắng nổi PSG một lần nào. Mà PSG là ai? Về bản lĩnh lẫn lực lượng, họ chẳng sánh nổi với Bayern Munich, Barcelona hay Real Madrid. Bóng đá Anh đã lép vế Tây Ban Nha, Đức, nay còn chịu thua cả… Ligue 1.
Tất nhiên, xứ sương mù đâu chỉ có Chelsea. Nhưng dù chưa đá, cơ hội đi tiếp của những đại diện Premier League còn lại như Arsenal, Man City còn hẹp hơn nhiều so với khe cửa mà PSG đã lách qua. Họ đều thua ở lượt đi, và lượt về đều phải hành quân tới sân khách. Một đại diện khác, thậm chí giành vé vào thẳng vòng bảng Champions League hồi đầu mùa là Liverpool, thì cũng đã bị loại khỏi Europa League khi rớt xuống sân chơi này.
Ngược lại với niềm tự hào mới mẻ của bóng đá Pháp, Premier League nên cảm thấy hổ thẹn và “ít nói” hơn. Tốt nhất, người Anh nên làm theo Mourinho, “đi thật xa và ngẫm nghĩ về những gì đã xảy ra”. Nghĩ về cách làm bóng đá, cách truyền thông “tiếp thị” hình ảnh quá đà, nâng những cầu thủ thiếu kỉ luật một bước lên tầm “siêu sao”, để rồi cứ ra đấu trường quốc tế, họ lại rơi rụng lộp bộp như trái chín cành.
Còn với những “người trong cuộc” như Chelsea, Arsenal, Man City hay Liverpool, họ cần thôi ngạo nghễ để chấp nhận một thực tế rằng Barca, Real hay Bayern đã vượt khá xa so với đẳng cấp của họ. Thậm chí, tới thời điểm này thì đến cả PSG hay Monaco, những đại diện bên kia eo biển Manche, cũng đã không còn “giậm chân” tại nấc thang mà người Anh đang tụt lại.
Nếu như các đội bóng Anh còn lại là Arsenal và Man City đồng loạt bị loại từ vòng 1/8, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ mùa 2012/13 Premier League “sạch bóng” tại vòng tứ kết Champions League. Mùa giải năm đó, Chelsea xếp thứ 3, Man City xếp thứ 4 tại vòng bảng; trong khi M.U và Arsenal bị loại tại vòng 1/8. |