TTCN Premier League 2013/14: Đắt chưa hẳn xắt ra miếng!
KHÔNG ÍT GIÁ ẢO
Premier League 2013/14 rõ ràng không phải là điềm lành của các tân binh đắt giá. Họ là những người được kỳ vọng sẽ đem lại sức sống mới cho CLB, đồng thời giúp nâng tầm trình độ của Premier League, nhưng đa số đều gây thất vọng hoặc chí ít không phát huy hiệu quả như mong đợi. Ngoại trừ Fernandinho, 9 bản hợp đồng giá trị lớn nhất còn lại của Premier League 2013/14 đều không thuộc dạng “đáng đồng tiền bát gạo”.
Điều gì khiến các tân binh không thể tỏa sáng hoặc lấn át cựu binh? Một trong những lý do là sự kỳ vọng quá lớn do giá chuyển nhượng quá cao. Trong Top 10 cầu thủ có giá chuyển nhượng cao nhất tại Premier League 2013/14, có những trường hợp như Fellaini (M.U) hay Lamela và Roberto Soldado (Tottenham) bị tờ Telegraph cho là “giá ảo”, nghĩa là bị đẩy giá lên cao hơn giá trị thực của cầu thủ ấy. Nắm bắt nhu cầu khát khao mua cầu thủ của M.U và Tottenham, các nhà môi giới cầu thủ làm đại diện cho Fellaini, Lamela hay Soldado đã thành công khi thổi giá “món hàng”, đồng nghĩa tăng giá chuyển nhượng lên cao ngất ngưởng, kéo theo phần chia cho các cầu thủ (tiền thưởng chuyển nhượng).
Lamela là nỗi thất vọng của Tottenham
Lamela là nỗi thất vọng của Tottenham
BẤT ỔN NHỮNG PHI VỤ PHÚT CHÓT
Có một thực tế không thể không nhắc tới là rất nhiều vụ chuyển nhượng giá khủng tại Premier League 2013/14 được thực hiện vào giờ chót. Oezil, Willian, Lamela, Fellaini là những ví dụ tiêu biểu. Họ đến với đội bóng mới khi mùa giải mới đã khai mạc nên có quá ít thời gian hòa nhập và thích nghi.
Đó là chưa kể trường hợp đa số đội bóng lớn tại Anh sở hữu lực lượng hùng hậu (để chinh chiến trên nhiều mặt trận), hệ quả là các cầu thủ phải cạnh tranh gay gắt để được ra sân. Oezil đến Arsenal được bố trí đá cánh, dễ “đụng” với Walcott, Podolski, Chamberlain hay thậm chí cả Wilshere. Willian đến Chelsea đã có Mata, Oscar, Hazard, chắc chắn phải có người ngồi dự bị. Mata đã “bật bãi”, chuyển sang M.U vào đợt chuyển nhượng giữa mùa nhưng cũng không xuất sắc như mong đợi bởi đội bóng chủ sân Old Trafford có quá nhiều bất ổn.
Một trong những lý do là M.U thay tướng. Alex Ferguson ra đi, để lại khoảng trống quá lớn và áp lực không nhỏ cho người kế nhiệm. Chưa có mùa giải nào tại Anh chứng kiến 3 trong 4 đội thuộc Top 4 thay tướng trước mùa bóng mới, đó là M.U, Man City và Chelsea.
Oezil chuyển đến Arsenal với bản hợp đồng kỷ lục
Oezil chuyển đến Arsenal với bản hợp đồng kỷ lục
THẬN TRỌNG HAY TIẾP TỤC CHẠY ĐUA?
Sự thất bại của các tân binh đắt giá ở Premier League 2013/14 có kéo theo những thay đổi về chính sách chuyển nhượng mùa giải tới? Chắc chắn các đội sẽ thận trọng hơn, nhưng không có nghĩa sẽ bớt… liều lĩnh. Lý do: tất cả cùng nung nấu ý định “phục thù”, cùng tham vọng truất ngôi vua của Man City, nhưng Man xanh chắc chắn không muốn để điều đó xảy ra.
VCK World Cup 2014 sẽ là cơ hội tốt để các CLB Anh tìm “hàng”, nhưng cựu HLV Liverpool và Chelsea, ông Rafa Benitez đã cảnh báo: “Mua cầu thủ từ thành công ở World Cup thường dễ phạm sai lầm, vì đặc thù ở CLB khác với đội tuyển, hơn nữa Premier League là giải đấu trường kỳ, trong khi World Cup chỉ diễn ra 1 tháng”. Rủi ro cao, nhưng “đại gia” Anh vẫn sẽ chạy đua vũ trang, vì cùng tin là giàu có, tiền nhiều sẽ sớm mua thành công.
CON SỐ
760: Số tiền 20 CLB ở Premier League đổ vào chuyển nhượng trong mùa giải 2013/14 lên tới 760 triệu bảng. Có nhiều đội thường không mạnh tay trong mua sắm đã “phá lệ”, như Arsenal lập kỷ lục chuyển nhượng tại Premier League 2013/14 với hợp đồng 42,5 triệu bảng khi mua Mesut Oezil từ Real. Ngoài ra, còn phải kể đến Tottenham chi hơn 100 triệu euro mua gần chục cầu thủ mới sau khi bán Gareth Bale cho Real. Tuy nhiên, cả Arsenal lẫn Tottenham đều không thành công như mong đợi.