Tình cảnh bấp bênh của Pellegrini và Pochettino: Quản trị con người
Với Pellegrini, đây mới là mùa thứ 2 của ông ở Man City. Với Pochettino, mới là mùa đầu tiên ông dẫn dắt Tottenham. Sự khắc nghiệt của Premier League và cái gọi là “dớp HLV Nam Mỹ” không phải là lời giải thích cho việc rất nhiều HLV nổi tiếng bên kia bờ Đại Tây Dương không thành công ở giải Ngoại hạng Anh.
Vậy, nguyên nhân chủ yếu là gì?
Theo bình luận viên nổi tiếng Tim Vickery (cộng tác viên của báo Bóng đá, là người có hơn 20 năm làm việc ở Brazil viết cho các hãng thông tấn và tạp chí nổi tiếng như BBC, World Soccer…), nguyên nhân quan trọng dường như nằm ngoài khía cạnh bóng đá. Vickery cho rằng một HLV bóng đá muốn thành công ở Premier League cần học… quản trị kinh doanh.
Bóng đá cũng là một ngành kinh doanh, tuy HLV không phải lo doanh số bán hàng nhưng cũng phải cân bằng ngân sách chuyển nhượng, nhất là khi hiện tại Luật Công bằng tài chính của FIFA là vòng “kim cô” siết chặt nhiều đội bóng lớn. Chưa hết, và quan trọng nhất, là đòi hỏi cực kỳ cao về khả năng quản trị con người.
HLV Pellegrini
Một đội bóng mạnh ở Anh như một tập hợp nhiều quốc gia ở Liên hiệp quốc. Hơn chục quốc gia khác nhau mà từng ngôi sao là đại diện, thì HLV ngoài đòi hỏi về ngoại ngữ (không chỉ thông thạo tiếng Anh là đủ) còn phải biết trở thành một chuyên gia tâm lý sành sỏi, khi cần phải rắn khi không cần phải nhu để giữ yên lòng quân.
Không phải ngẫu nhiên khi có rất ít HLV Nam Mỹ làm việc ở Premier League. Luiz Felipe Scolari từng vô địch World Cup 2002 cùng ĐT Brazil, rất thành công với ĐT Bồ Đào Nha, được rất nhiều CLB Brazil thèm muốn song khi đến Chelsea đã không thành công, chưa đến một mùa đã bị sa thải. Osvaldo Ardiles, huyền thoại của bóng đá Argentina, chỉ tồn tại 1 mùa ở Tottenham. Ngay sau khi sa thải Ardiles (vì Tottenham chỉ xếp hạng 15 ở Premier League), Spurs lập tức mua Juergen Klinsmann, Gigi Popescu, Ilie Dumitrescu. Ardiles có thể ca than rằng “không có cơ hội dẫn dắt Klinsi, Popescu, Dumi, nếu không mọi thứ sẽ khác”, nhưng giới hâm mộ Tottenham hiểu rõ một sự thật không thể chối cãi: Ardiles quá “hiền” để có thể kìm cương những “chú ngựa chứng” như Dumitrescu.
Sau Ardiles và Scolari chính là Pellegrini và Pochettino. Pellegrini không có kinh nghiệm chơi bóng cho nhiều đội bóng lớn ở nhiều nền bóng đá lớn ở châu Âu, điều đã giúp Diego Simeone thành công ở Atletico Madrid. Hơn nữa, Pellegrini quá “hiền” nên nói chẳng ai nghe. Còn Pochettino, tuy có thâm niên cầu thủ thành công ở châu Âu, nhưng vì còn ít kinh nghiệm và còn trẻ (mới 43 tuổi) nên không dễ khiến các ngôi sao như Adebayor, Lamela, Capoue, Fazio hay Soldado phục.
HLV Pochettino
Một HLV trong thể thao hiện đại phải là một nhà hùng biện giỏi, một người bạn của các cầu thủ và khi cần có thể là một người cha dạy bảo những đứa con hư. Không phải cứ “rắn” như Wanderlei Luxemburgo là thành công, vì khi dẫn dắt Real Madrid HLV này từng đập bàn thị uy, sau đó bị Roberto Carlos gặp riêng nói thẳng: “Ông làm thế chỉ làm đau tay, và làm trò cười cho các galacticos ở Real”.
Đặc thù của bóng đá Nam Mỹ và châu Âu tuy đã được dung hòa và tiến sát gần nhau hơn theo thời gian, song vẫn có những khác biệt rõ. Một HLV Nam Mỹ còn là một nhà đào tạo trẻ, một người cha tinh thần. Một HLV ở châu Âu cần tài ngoại giao, khả năng ứng phó tình huống như một chuyên gia tâm lý sành sỏi. Còn chuyện chuyên môn: đã có bộ sậu của ông ta lo!