Thành Manchester đảo chiều quyền lực
VỊ THẾ MỚI CHO MAN XANH
Trong kỳ chuyển nhượng Hè 2015, Man United và Man City là hai CLB chi tiêu nhiều nhất trên xứ sương mù. Nhưng đó gần như là điểm chung duy nhất của hai đội bóng thành Manchester. Dù cùng vung tiền mua sắm nhưng, hiệu quả thu về của họ lại khác xa nhau. Nếu như Man City có được hai tên tuổi lớn Raheem Sterling và Kevin de Bruyne thì Quỷ đỏ chỉ đưa về được những cầu thủ hoặc đã già (Bastian Schweinsteiger), hoặc chưa có nhiều danh tiếng (Anthony Martial), còn lại là những cầu thủ ở mức trung bình khá.
Nhìn lại một chút về thị trường chuyển nhượng (TTCN) để thấy rằng vị thế của Man United đang ở khá thấp. Họ không thu hút được những danh thủ hàng đầu và đành quay về với những cái tên ở dạng tiềm năng. Anthony Martial rõ ràng không phải là tân binh mà HLV Louis van Gaal muốn đưa về ngay từ đầu. Quỷ đỏ chỉ nhớ tới tiền đạo 19 tuổi này, sau khi thất bại trong việc hỏi mua Pedro, Harry Kane, Thomas Mueller, Edinson Cavani…
Trong khi đó, Man City hiện nay đã ở vào một tầm vóc mới. Tất cả những mục tiêu nhắm đến đều được chiêu mộ thành công. Chưa tính tới De Bruyne hay Sterling, chỉ riêng bản hợp đồng Nicolas Otamendi đã thể hiện rõ thế thống trị của Man xanh tại thành Manchester. Trước khi gia nhập sân Etihad, Otamendi là mục tiêu trọng điểm của Man United. Thế nhưng, Man đỏ đã bất lực nhìn Man xanh chiêu mộ trung vệ người Argentina.
Thành công trên TTCN có thể chưa phải là chứng chỉ đảm bảo thành công trên sân cỏ. Song nó là thước đo quan trọng để đánh giá tham vọng, sức hút và vị thế của một đội bóng. Xét trên các tiêu chí này, Man xanh đã vượt qua Man đỏ để trở thành điểm đến của các ngôi sao.
ĐẲNG CẤP TỪ KHÂU CHUẨN BỊ
Không phải ngẫu nhiên mà Man xanh vượt qua kình địch cùng thành phố trong việc thu hút những cầu thủ hàng đầu, dù xét về truyền thống và danh tiếng họ kém xa Man đỏ. Thành công trên TTCN của Man City đến từ quy trình làm việc chặt chẽ, cùng kế hoạch tuyển mộ được lên phương án chi tiết.
Trước khi ký hợp đồng với Kevin de Bruyne, Man City đã theo sát cầu thủ này suốt 18 tháng. Trong khoảng thời gian đó, CLB chủ sân Etihad sử dụng tới 50 trinh sát thay nhau nghiên cứu, đánh giá về các điểm mạnh yếu của tiền vệ người Bỉ. Những bản báo cáo được đều đặn gửi tới HLV Manuel Pellegrini, giám đốc phụ trách đào tạo trẻ Brian Marwood, GĐĐH Ferran Soriano, GĐTT Txiki Begiristain và chủ tịch Khaldoon Al Mubarak. Man City sau đó thành lập một hội đồng để bàn bạc và ra quyết định về việc sẽ tiếp cận De Bruyne như thế nào, chi bao nhiêu tiền, thương lượng ra sao. Vụ tuyển mộ Raheem Sterling cũng được thực hiện theo quy trình tương tự.
Trong khi đó, Man United thiếu một kế hoạch chuyển nhượng xuyên suốt dẫn đến thường xuyên phải thay đổi mục tiêu theo thời gian. Dù đã có nhiều tiền vệ trung tâm nhưng HLV Louis van Gaal vẫn đưa về Old Trafford thêm 2 cầu thủ ở vị trí này (Bastian Schweinsteiger, Morgan Schneiderlin). Quỷ đỏ cũng không thực hiện tốt khâu thanh lý cầu thủ, dẫn tới việc sở hữu tới 4 thủ môn, nhưng hiện có tới hai chưa sẵn sàng ra sân thi đấu do bất đồng với HLV (David de Gea, Victor Valdes).
Cách đây 3 năm, huyền thoại Alex Ferguson từng dùng từ “điên rồ” để nói về việc PSG chi 40 triệu bảng cho cầu thủ 19 tuổi Lucas Moura. Nhưng giờ đây, M.U thậm chí còn “điên rồ” hơn khi chi gần bằng con số đó cho một Anthony Martial cũng 19 tuổi, nhưng kém danh tiếng hơn rất nhiều.
Man United hiện nay chẳng khác nào Man City thời mới được thâu tóm bởi người UAE, mua về những cầu thủ tầm tầm với giá cao. Trong khi Man xanh hiện nay đã ở vị thế thống trị cả trên BXH Premier League lẫn TTCN như Man đỏ ngày nào.
Chi nhiều nhưng thiếu danh hiệu
Kể từ sau kỷ nguyên của HLV huyền thoại Alex Ferguson, Man United đã ném vào TTCN tổng cộng 290 triệu bảng. Thế nhưng, họ lại không đem về sân Old Trafford danh hiệu nào. Trong khi đó, cùng khoảng thời gian trên, Man City chi tiêu mua sắm hết 291 triệu bảng và đã giành được 1 chức vô địch Premier League và 1 Cúp Liên đoàn.