“Quỷ đen” đáng sợ hơn “Quỷ đỏ”!
Những dư âm từ vụ Terry
Đấy là bóng ma phân biệt chủng tộc, nơi một con người đáng lẽ phải có trách nhiệm chiến đấu và góp phần tiêu diệt cái loại ma quỷ ấy trong bóng đá.
Đến thời điểm này, mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Và chắc chắn, những tranh cãi lớn nảy sinh từ trận Chelsea - M.U ở Premier League cuối tuần qua chưa thể ngã ngũ chỉ trong vài ngày sắp tới. Các bên sẽ còn tiếp tục tố cáo hoặc phủ nhận tố cáo. Những người có trách nhiệm sẽ phải cật lực điều tra. Và sẽ có tòa án, rất có thể gồm cả tòa dân sự lẫn tòa bóng đá. Hãy nhớ lại xem vụ John Terry kéo dài trong bao lâu, trải qua bao nhiêu tình huống, và kết thúc như thế nào?
Terry là một ngôi sao, là thủ quân của đội tuyển Anh. Có nghĩa, anh thuộc loại người phải có trách nhiệm làm gương trong xã hội Anh. Với những gì bóng đá Anh nói riêng cũng như xã hội Anh nói chung đem lại cho Terry, anh phải có trách nhiệm, có lương tâm trong việc đền đáp. Đấy mới là cái lý quan trọng nhất, là cơ sở lớn nhất, khiến LĐBĐ Anh (FA) can đảm chấp nhận mọi sự chỉ trích để trừng phạt Terry.
Điều đáng lưu ý ở đây là FA chưa bao giờ kết luận Terry phân biệt chủng tộc (toàn bộ văn bản kỷ luật Terry hiện đang có trên website của FA). Cũng vậy, tòa dân sự kết luận Terry vô tội, trên cơ sở không đủ bằng chứng để kết tội nghĩa là phải công nhận người ta vô tội. FA trừng phạt Terry bởi anh đã gợi lên một vấn đề không thể chấp nhận trong xã hội Anh nói riêng, cũng như trong một xã hội tiến bộ nói chung: phân biệt chủng tộc.
Ở đây, chẳng ai rao giảng về việc phải chống phân biệt chủng tộc. Thật ra, FIFA và UEFA chưa bao giờ tỏ ra thật sự tích cực trong trận địa này, cũng chẳng ai làm gì được họ. Cái lý “không đủ bằng chứng” luôn được vận dụng trong các trường hợp mà UEFA và FIFA phải thụ lý. Thế là quá đủ. Phần mình, FA đưa ra thông điệp qua vụ Terry: “Đây là bóng đá Anh”.
Các quan chức FA không đủ bằng cớ để gọi Terry là kẻ phân biệt chủng tộc, nhưng họ có quyền phạt Terry - theo luật lệ riêng của họ (và chẳng ai ép Terry phải chấp nhận cái luật lệ riêng của bóng đá Anh để chơi bóng ở đây), đơn giản chỉ vì anh làm kích hoạt bóng ma phân biệt chủng tộc mà giới bóng đá xứ sương mù quyết tâm loại trừ.
Mối liên hệ với Clattenburg
Với một cầu thủ đã là như vậy, huống hồ tranh cãi kỳ này liên quan đến Mark Clattenburg - một trọng tài, tức là nhân vật phải luôn nêu cao giá trị đạo đức và phải có trách nhiệm bảo vệ đạo đức trong thế giới bóng đá. Không phải nói nhiều để thấy một trọng tài dàn xếp tỷ số là việc nghiêm trọng ra sao trong môn bóng đá, nghiêm trọng hơn bao nhiêu so với tội danh như thế nơi một cầu thủ. Thật ra, nhìn từ lăng kính xã hội, thì tội phân biệt chủng tộc còn lớn hơn nhiều so với tội dàn xếp tỷ số. Thế mới có chuyện Graham Poll và hầu như mọi trọng tài khác đều chỉ có một nhận định thống nhất: Mark Clattenburg sẽ không bao giờ được cầm còi nữa, nếu ông ta quả có thốt lên một câu phân biệt chủng tộc.
Làm sao có thể tin vào bất kỳ sự rao giảng nào nữa, khi ngay đến một trọng tài nổi tiếng hóa ra cũng lại là kẻ phân biệt chủng tộc? Chuyện Clattenburg “tày đình’‘ chỗ này. Số đông sẽ phải nghĩ theo logic “có lửa thì mới có khói’‘, nghĩa là cho dù không đủ bằng cớ kết tội Clattenburg đi nữa, FA cũng không còn lựa chọn nào khác. Giống như chuyện Terry vậy. Đằng nào, công luận cũng đã có suy nghĩ về việc “trọng tài phân biệt chủng tộc’‘ rồi.
Chủ tịch UEFA tiêu tan sự nghiệp như thế nào?
Trước World Cup 1998, chủ tịch UEFA, ông Lennart Johansson, chứ không phải Sepp Blatter, mới là ứng cử viên số 1 cho ghế chủ tịch FIFA. Nghe đồn là trong một lần “trà dư tửu hậu”, Johansson nói đùa với những người xung quanh: “Cứ tưởng tượng bạn đang ngồi trong một căn phòng kín, xung quanh toàn là những người da đen...”. Sở dĩ phải dùng từ “nghe đồn” bởi rút cuộc thì đâu ai chứng minh được, dưới lăng kính pháp luật, là Johansson quả có nói như vậy. Nhưng bấy nhiêu đã là quá đủ. Johansson thất bại trong cuộc tranh cử chủ tịch FIFA với Blatter hồi năm 1998. Sau này, ông lại thua Michel Platini trong cuộc tranh cử chủ tịch UEFA và coi như chấm dứt sự hiện diện trong bóng đá đỉnh cao.
Quyết không để hỏng ngày vui
Dù đang bận rộn với những tranh cãi và ngổn ngang cảm xúc từ trận thua M.U 2-3 ở Premier League, Chelsea vẫn kêu gọi các cổ động viên của họ tận dụng niềm vui khi gặp lại M.U lần nữa trong khuôn khổ Cúp Liên đoàn, đúng dịp Halloween (31/10). Chelsea kêu gọi các cổ động viên đến sân trong trang phục Halloween. Họ muốn tạo bầu không khí “hù dọa” đối phương? Vui là chính thôi, bởi còn yêu ma nào có thể hù dọa Quỷ.