Premier League làm hại đội tuyển Anh
Người Anh đón nhận thông Micah Richards trở lại Aston Villa sau thời gian thất bại ở Fiorentina một cách bình thường, không có gì ngạc nhiên. Ashley Cole bây giờ cũng đã vỡ mộng ở AS Roma và muốn chấm dứt cuộc phiêu lưu của mình càng sớm càng tốt. Chúng ta đang nói về 2 hậu vệ nổi tiếng của bóng đá Anh, những người từng lên ngôi vô địch Premier League.
Họ ra đi với sự lạc quan và hăng hái bao nhiều thì trở về thảm não bấy nhiêu. Và 2 trường hợp mới nhất ấy càng làm cho người ta tin là Premier League giỏi “nhập khẩu” hơn “xuất khẩu” gấp nghìn lần. Sự vắng mặt của các cầu thủ Anh ở những giải đấu hàng đầu chính là một trong những nguyên nhân khiến ĐT Anh luôn thi đấu èo uột ở những giải đấu lớn như VCK EURO hay World Cup.
Đã có lúc Anh “xuất khẩu” được những cái tên như Steve McManaman, Michael Owen hay David Beckham. Nhưng ngay cả với bộ 3 danh tiếng này thì cũng chỉ một mình McManaman được xem là thành công. Owen là một thất bại trong khi Real cố giữ Beckham là vì danh tiếng và hình ảnh của anh hơn là thực lực.
Thế giới giờ đã công nhận ảnh hưởng tích cực của việc có nhiều cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài đến thành tích của một đội tuyển. HLV Carlos Alberto Parreira, người từng vô địch World Cup 1994 cùng đội ĐT Brazil và dẫn dắt Selecao ở 3 thập niên khác nhau buộc phải thừa nhận, chính ý thức chiến thuật mà các cầu thủ Brazil học hỏi được ở châu Âu là nền tảng giúp Selecao thành công. Ronaldo sẽ không thể là Người ngoài hành tinh nếu không có kinh nghiệm chơi bóng ở PSV, Barcelona hay Inter Milan. Tương tự như thế là Rivaldo ở Deportivo, Barcelona hay Ronaldinho ở PSG, cho dù bản thân từng người đều là thiên tài bẩm sinh đi nữa.
HLV đội tuyển Pháp vô địch World Cup 1998 - Aimé Jacquet - cũng có nhận định tương tự khi chỉ ra bộ khung của Les Bleus gồm Zinedine Zidane, Didier Deschamps và Marcel Desailly đều trưởng thành sau thời gian chơi bóng ở Serie A. Pha ghi bàn của Fernando Torres - cầu thủ khi ấy đá cho Liverpool - giúp Tây Ban Nha giành chức vô địch đầu tiên sau 44 năm. Sau đó người Tây Ban Nha chợt nhận ra: việc “bế quan tỏa cảng” chính là nguyên nhân khiến họ chỉ là một chú hổ giấy, không có được phản ứng phù hợp khi gặp những tình huống khó khăn ở các kỳ giải lớn.
Rõ ràng thành công lý tưởng của một đội tuyển là khi họ kết hợp được triết lý bóng đá của riêng mình và kinh nghiệm mà các cầu thủ học hỏi được khi “đem chuông đi đánh xứ người”. Mà thực ra người Anh cũng không cần nhìn đâu xa để tìm vì dụ. Thành tích tốt nhất của Tam sư ở World Cup kể từ sau chức vô địch 1966 trên sân nhà là World Cup 1990, nơi họ có một đội ngũ đang đá ở nước ngoài như Chris Waddle, Gary Lineker, Paul Gascoigne, David Platt và Des Walker. Còn hiện tại, Anh là đội tuyển duy nhất trong Top 15 trên BXH FIFA không có bất kỳ cầu thủ nào thi đấu ở nước ngoài.
Tất nhiên là có nhiều nguyên nhân khiến Premier League không thể xuất khẩu cầu thủ, nhưng nguyên nhân lớn nhất là họ không đủ tài đến mức buộc các CLB mạnh phải chi tiền. Sự thích nghi của các cầu thủ Anh khi ra ngoài nước cũng thuộc hàng... tệ nhất thế giới. Vì thế Premier League càng thành công, càng giúp các cầu thủ thành sao một cách dễ dàng thì lại càng khiến Tam sư khó mà trở thành một đội tuyển mạnh.
Đấy là sự thật đau lòng và đau đầu với những người làm bóng đá Anh.