Man City đã trở thành một thương hiệu toàn cầu như thế nào?
Điểm khởi đầu…
Là một CLB có truyền thống, nhưng cái tên Man City từng bị quên lãng một thời gian dài vì “mất tích” ở các giải hạng dưới, cho tới đầu những năm 2000 khi họ giành quyền trở lại Premier League. Năm 2008, đội bóng áo xanh thành Manchester được tập đoàn Abu Dhabi United mua lại. Hè năm 2009, 100 triệu bảng được BLĐ tung ra cho chuyển nhượng, đem về những ngôi sao có thể cải thiện thành tích đội bóng. Tiếp đó là bản hợp đồng với hãng hàng không Etihad Airways, trị giá khoảng 400 triệu bảng. Kể từ đây, sân City of Manchester mang cái tên mới đậm chất Ả-rập, Etihad.
Sở hữu một đội hình đắt giá, Man City dần chia tay những trận đấu phập phù để làm quen với những chiến thắng, những danh hiệu. Trong vòng 4 năm kể từ khi đổi chủ, City giành 1 FA Cup và 1 Premier League – lần đầu tiên sau 44 năm. Nhờ đó, đội bóng có thêm hàng triệu người hâm mộ cả trong và ngoài nước. Đó là một thành công bước đầu rất đáng khích lệ.
Tâm điểm của chiến lược toàn cầu
Những năm gần đây, BLĐ Man City đang thể hiện rõ mong muốn toàn cầu hóa thương hiệu. Việc đầu tiên và rõ ràng nhất họ làm là xây dựng một mạng lưới các CLB thể thao đa quốc gia. Cụ thể, giới chủ Man xanh đã vung tiền mua lại CLB Melbourne Heart (Australia) với giá khoảng 7 triệu bảng, rồi đổi tên thành Melbourne City, đồng thời đổi luôn màu áo CLB thành xanh da trời, giống như Man City.
Cầu thủ Melbourne City với trang phục không khác gì Man City
Bước tiếp theo, họ liên doanh với đội bóng chày New York Yankees (Mỹ), thành lập CLB bóng đá New York City, sẽ là đội thứ 20 dự MLS mùa tới. Man City, New York City và Melbourne City là xương sống của 1 doanh nghiệp toàn cầu mới, được gọi là Tập đoàn bóng đá City (CFG). Chưa hết, tháng 5 vừa qua, CFG đã mua được cổ phần ở CLB Yokohama F Marinos tại J-League, vốn thuộc sở hữu của tập đoàn Nissan.
Không giống như cách làm của đại đa số đội bóng khác, bỏ tiền mua mối quan hệ và thành lập các văn phòng kinh doanh ở nước ngoài, CFG tạo ra những “bản sao” của CLB chính ở các giải đấu đang phát triển, được họ xem như thị trường mục tiêu quan trọng, bằng cách này thu hút người hâm mộ cũng như thu hút cả các nhà tài trợ.
“Các đội bóng Anh nói chung sở hữu thị trường nội địa rất mạnh, vì vậy hầu hết các đội chưa nghĩ tới việc quảng bá thương hiệu như M.U đã làm từ những năm 1990. Sau giai đoạn ấy, các CLB Tây Ban Nha cũng nhận ra cần phải làm điều đó, và gần đây tới lượt Bayern Munich giác ngộ”, GĐĐH Ferran Soriano của Man City nói.
“Mọi thương hiệu đều lớn, nhưng lợi nhuận thu về lại rất nhỏ. Vì vậy, chúng tôi cần tìm cách tạo ra các CLB địa phương trong quá trình toàn cầu hóa. Ví dụ, chúng tôi muốn được biết tới rộng rãi ở Australia, thế thì chúng tôi cần một CLB ở đó, nhưng lại mang đặc điểm của một đội bóng Anh”.
Và đây là trang phục của New York City
Nissan, một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới đã kí hợp đồng tài trợ với Champions League cũng như Olympic 2016 ở Rio de Janeiro, hoàn toàn bị thuyết phục bởi chiến lược phát triển khôn ngoan của City. “Thật là tuyệt bởi Man City có thể quảng bá thương hiệu của chúng tôi ở 4 múi giờ, 4 lục địa khác nhau trên khắp hành tinh”, ông Andreas Sigl, người phụ trách tài trợ của hãng Nissan cho biết.
Bên cạnh bản hợp đồng 5 năm với Nissan, Man City gần đây còn đánh bại “hàng xóm” MU để kí kết hợp đồng tài trợ với tập đoàn bán hàng trực tuyến lớn nhất thế giới QNET. Chưa hết, họ còn đang tiệm cận chính M.U về giá trị thương hiệu. Theo thống kê năm 2014, City đứng thứ 5 trong danh sách 50 thương hiệu bóng đá lớn nhất, với giá trị 323 triệu bảng, cao hơn nhiều so với Chelsea (264 triệu, thứ 7) và chỉ còn xếp sau M.U 2 bậc (thứ 3). Đáng chú ý, giá trị thương hiệu của “Quỷ đỏ” đã giảm 62 triệu bảng so với năm 2013.
Không chỉ hỗ trợ tuyệt vời cho công tác quảng bá thương hiệu, việc sở hữu một chuỗi CLB còn giúp Man City giảm thiểu tối đa rủi ro thất thoát nhân tài. Với một hệ thống nhiều CLB ở nhiều cấp độ khác nhau, sẽ không có chuyện một cầu thủ được phát hiện từ năm 18 tuổi nhưng không có chỗ đứng ở Etihad lại phải tìm tới “bến đỗ” khác để mong được chơi bóng thường xuyên. Thay vào đó, anh ta có thể sang New York, và thậm chí khi về già hoàn toàn có thể tiếp tục tồn tại trong cùng “hệ thống”, ở Melbourne City.
Chiến lược này thực chất không phải là mới. Nhà Pozzo ở Italia đang sở hữu CLB Udinese, nhưng cũng đồng thời là chủ của Granada ở Tây Ban Nha và Watford ở Anh. Cầu thủ của một trong ba đội bóng này thường xuyên được cho mượn qua lại. Một trường hợp khác là tập đoàn nước giải khát Red Bull, với 5 CLB bóng đá ở Đức, Áo, Mỹ, Ghana và Brazil, tất cả đều mang tên Red Bull. Điểm khác của Man City, đó là họ đầu tư một cách có ý đồ hơn, với 3 CLB thuộc 3 lục địa khác nhau, 3 thị trường cũng khác nhau nốt.
Melbourne, New York và Manchester City đều thuộc City Group
Những kế hoạch khác
Man City từng công bố kế hoạch bổ sung 3 hàng ghế ngồi cho sân Etihad, qua đó có thể đạt tới sức chứa 55.000, thậm chí là 60.000 chỗ ngồi sau khi hoàn thành. Nếu quả thực như vậy, sức chứa của Etihad sẽ chỉ chịu thua kém duy nhất Old Trafford, tính trên bình diện xứ sở sương mù.
“Các CLB lớn ở Anh cần phải có sân vận động với sức chứa 60.000 chỗ. Chúng tôi có thể đáp ứng được điều đó. Thêm nữa, điều quan trọng là chúng tôi vẫn giữ mức giá vé hợp lý, tạo điều kiện cho sân luôn được phủ kín. Điều đó không chỉ tốt cho giải đấu, mà còn đem lại lợi thế về các sản phẩm truyền hình”, Soriano nhận định.
Thị trường châu Mỹ được BLĐ Man City hết sức chú trọng. Bằng chứng là họ đã thiết lập một mạng lưới gồm 36 tuyển trạch viên và HLV ở 14 nước Mỹ Latin, nhằm mục đích vừa săn tìm tài năng trẻ, vừa hỗ trợ các CLB và LĐBĐ nước ngoài về mặt kỹ thuật. Thêm nữa, Soriano cũng muốn các CLB Anh thi đấu 1 trận chính thức ở Mỹ để thu hút thêm khán giả tại “Tân thế giới”.
Hệ thống đào tạo trẻ cũng là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển thương hiệu Man City. Không phải ngẫu nhiên mà các ông chủ Ả-rập duyệt chi tới 200 triệu bảng để xây dựng
Hình ảnh bên ngoài khu học viện đắt giá của M.C
Cụ thể, nó bao gồm một trường đại học, các sân tập nhỏ, cũng như có lối ăn thông với sân chính Etihad. BLĐ Man City hy vọng rằng đây sẽ là nơi cho ra lò những tài năng trẻ sáng giá, là điểm đến của những ngôi sao mai được các tuyển trạch viên đem về từ khắp mọi ngóc ngách của thế giới. Mọi tài năng sẽ không bị lãng phí, bởi nếu thất bại ở Manchester, họ còn cơ hội bắt đầu lại với New York hay Melbourne.
Quan hệ với Việt Nam
Thông qua Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội SHB, hay cụ thể hơn là chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển, CLB Man City đã được mời sang Việt Nam thi đấu vào cuối tháng 7 tới. Bên cạnh trận đấu giao hữu này, ngân hàng nói trên cũng đã trở thành đối tác chính thức của nhà vô địch Premier League 2013/14.