Premier League 12/13: Không chỉ là song mã!
Chelsea đã ném vào thị trường chuyển nhượng 70 triệu bảng. Ông chủ Abramovich hiểu rằng ngay cả với chức vô địch Champions League thì 25 điểm kém hơn đội đầu bảng Man City như mùa trước cũng là không thể chấp nhận. Arsenal cũng đã mua, không quá nhiều, chỉ với hơn 30 triệu bảng. Nhưng họ đã mua khi Van Persie vẫn chưa ra đi. Không ai nhớ được lần cuối cùng HLV Wenger có cái quyền mua trước khi bán ngôi sao nữa… Premier League 2012/13 là một mùa giải đáng kỳ vọng về sự quay lại của một cuộc chiến tay 4, như thời hoàng kim của Big Four trong quá khứ.
Man United chỉ có một sự thay đổi lớn là tân binh Kagawa, nhưng sự xuất sắc của anh trong những trận giao hữu mùa Hè đã xoa dịu nỗi lo lớn nhất của CĐV trong năm qua ở hàng tiền vệ: gánh nặng tuổi tác và phong độ đi xuống của Ryan Giggs và Paul Scholes. Họ có thể sẽ đón thêm một tân binh đắt giá nữa chỉ trong vài ngày tới, Robin van Persie, một người có thể thay đổi cục diện cuộc chơi.
Trong bối cảnh kinh tế suy sụp, những đội mạnh vẫn thể hiện được quyết tâm của kẻ chinh phục. Thông điệp qua những bản hợp đồng sẽ thêm hàng loạt dấu trừ vào bản thông cáo tài chính cuối năm kia rất rõ ràng: họ muốn chức vô địch. Chỉ có Man City là chưa thấy thể hiện theo cách ấy (dù đó vốn là bản sắc của The Citizens). Hiện những người ngoài cuộc vẫn chưa thể đưa ra kiến giải rõ ràng về việc hợp đồng duy nhất của họ cho đến lúc này là mua tiền vệ trẻ Jack Rodwell từ Everton, trong khi hàng tiền vệ của Man City đã quá dày, công thủ toàn diện. Mancini vẫn không thôi rên xiết trên mặt báo vì sự ngần ngại của giới chủ trên thị trường.
Nhưng cho dù có mua sắm hay không, Man City vẫn quá mạnh nếu xét đến bề dày lực lượng. Mùa trước, chấn thương của đội trưởng Kompany, cuộc nổi loạn của Tevez và một vài sai lầm chiến thuật của Mancini đã khiến họ chỉ chạm tay đến chức vô địch trong những giây cuối cùng. Không ai tắm 2 lần trên một dòng sông. Tevez đã và sẽ lại đá như một thổ dân da đỏ của bộ tộc Apache, biệt danh của anh. Mancini cũng không có cớ để rụt rè trong cách bố trí đội hình nữa: ông đã đủ hiểu giải đấu này, Man City đã đủ tự tin, và áp lực đã giảm bớt. Chiến thắng trong trận tranh Community Shield, một trận đấu mà Man City không hề thể hiện tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, cho thấy đội hình này đã quá hiểu nhau. Việc chưa gắn kết thành một khối bởi có nhiều tân binh đến cùng lúc cũng là vấn đề của City mùa trước, nhưng giai đoạn ấy đã qua.
Và dẫu sao, thì Man City cũng vẫn còn “vũ khí tối thượng” của xã hội hiện đại: tiền mặt. Họ không rút nó ra trong mùa Hè này, nhưng nếu mọi chuyện không suôn sẻ, vẫn còn một kỳ chuyển nhượng nữa để bài trí lại đội hình.
Không thể gạch tên Arsenal. Không thể xem thường Alex Ferguson. Không thể chủ quan trước các tân binh của Abramovich. Cũng không ai dám đánh giá thấp Man City hơn mùa giải năm ngoái. Premier League 2012/13 hứa hẹn sẽ hấp dẫn hơn cuộc đấu tay đôi đơn điệu một năm trước. Ở một giải đấu mà nhà vô địch châu Âu cũng không thể lọt vào top 4, một giải đấu đầy rẫy những hố chông mang tên Stoke City, Fulham hay Newcastle, thì không ai có thể nói mạnh về chức vô địch.
NHỮNG KỶ LỤC CÓ THỂ BỊ PHÁ
17. Mùa trước, Aston Villa lập kỷ lục về số trận hòa trong mùa giải với 17 trận. Nhưng với xu hướng thực dụng tăng cao tại Premier League, kỷ lục này có thể bị phá. Số đội hòa nhiều hơn 10 trận/mùa đang tăng liên tục những năm qua. Từ 10 đội của mùa giải 2008/09, đến 11 ở mùa 2009/10 và 14 ở mùa 2010/11…
43. Kỷ lục thủng lưới trên sân nhà nhiều nhất lịch sử của Wolves thiết lập trong mùa giải 2011/12 (43 bàn) đang rất hứa hẹn bị phá nếu xét đến việc khoảng cách giàu-nghèo của Premier League vẫn đang được tô đậm và các CLB mới lên hạng vẫn đang chi tiêu khá dè dặt so với nhóm đầu. Cùng với đó là kỷ lục thủng lưới 27 trận liên tiếp mà Blackburn thiết lập mùa trước hay kỷ lục thủng lưới 55 trận trên sân khách của Wigan trong mùa 2009/10.