Nước Anh còn đâu những Alan Shearer?
Tờ Metro vừa có một thống kê đáng chú ý: Không phải Wayne Rooney hay Daniel Sturridge, những chân sút hàng đầu nước Anh, mà … Bradley Wright-Phillips mới là tiền đạo đang đạt hiệu suất làm bàn tốt nhất thời gian qua, với tỉ lệ 0,84 bàn/trận. Hẳn chưa ai quên con trai huyền thoại Ian Wright từng phải chật vật ra sao để khẳng định tên tuổi tại Premier League và thậm chí là Championship.
Tất nhiên, giải MLS nơi Wright-Phillips thăng hoa không thể so với những giải đấu hàng đầu nước Anh, nhưng nếu có một “số 9” hiệu quả cỡ Alan Shearer trước kia, chắc chẳng bao giờ tới lượt cựu tiền đạo Manchester City dẫn đầu một danh sách như thế.
Nói vậy để thấy những tiền đạo người Anh đang “khủng hoảng” ra sao. Mùa giải năm ngoái có thể nói là quãng thời gian bùng nổ hiếm hoi của họ. Hai đội bóng gây tiếng vang lớn nhất, Southampton và Liverpool đều được cấu thành bởi bộ khung “Ăng-lê”, hệ quả là có tới 3 gương mặt trong nước lọt vào danh sách 10 chân sút hàng đầu vào cuối mùa, và 7 trong top 20.
Sturridge bùng nổ cùng Liverpool mùa giải trước
Năm nay, câu chuyện đang đi theo một chiều hướng khác. Trong số 10 chân sút tốt nhất sau 9 vòng đấu, chỉ duy nhất một tiền đạo người Anh (là Saido Berahino của West Brom) góp mặt. Những Sturridge, Rickie Lambert hay Jay Rodriguez đã hoàn toàn biến mất khỏi danh sách săn bàn hàng đầu.
Nhưng như đã đề cập ở trên, việc tiền đạo Anh sa sút mùa này nên được xem là “bản chất” hơn là “hiện tượng”. Bởi lần gần nhất một chân sút xứ sương mù dẫn đầu danh sách “Vua phá lưới” Premier League đã từ năm 2000, thời điểm trò chơi PlayStation 2 được phát hành lần đầu tiên, bộ phim “Nhiệm vụ bất khả thi 2” còn đang “làm mưa làm gió” tại các rạp chiếu bóng…
Phải chăng nước Anh đang ngày càng khan hiếm tiền đạo giỏi? Nói như thế không hẳn đúng. Chính xác hơn, các chân sút xứ sở sương mù chỉ đang chuyển hóa quá mạnh mẽ từ mẫu “số 9” thành nhiều biến thể khác hiện đại hơn, để phù hợp với chiến thuật mới. Thống kê cho thấy, nếu như mùa 2009/10, sơ đồ 4-4-2 còn được sử dụng tới 330 lần, thì bước sang mùa 2013/14, 4-2-3-1 lên ngôi với 449 lần được lựa chọn. Rõ ràng tư tưởng chiến thuật của xứ sương mù đã trải qua một cuộc cách mạng, bắt nguồn từ thành công của ĐT Tây Ban Nha năm 2008.
Nước Anh đã trải qua cuộc cách mạng chiến thuật lớn
Sturridge hay Danny Welbeck là những ví dụ điển hình cho trào lưu "thay đổi để tồn tại" ở cầu thủ Anh. Cả 2 vốn là tiền đạo cắm nhưng phải dạt cánh để phục vụ ý đồ các HLV. Rooney cũng bị “hy sinh” vai trò chủ công để đá “số 10” và thậm chí là tiền vệ trung tâm dưới thời Sir Alex Ferguson và cả Louis van Gaal.
Điểm tích cực của công cuộc “thay da đổi thịt” cho tiền đạo Anh là họ đóng góp được nhiều hơn cho lối chơi chung, cho những chiến thuật mới (đa số là 4-2-3-1, sơ đồ ưu tiên tiền đạo cánh). Các CLB cũng sẽ có được nhiều bài tấn công đa dạng hơn, khó bị bắt bài và kèm cặp vì không có chủ công đúng nghĩa. Ngược lại, chấp nhận bỏ “số 9” tức là các tiền đạo Anh đã tự hạn chế lượng bàn thắng của họ, tự quay lưng với những điểm mạnh tự nhiên như nền tảng thể lực và kỹ năng không chiến của một thời “Kick & Rush”…
Trớ trêu thay, có vẻ như xu hướng dùng “số 9” sau khi bị người Anh từ bỏ lại đang trở lại chu kỳ thành công của nó. Mùa trước là Lambert, và mùa này, Costa, Graziano Pelle hay Leonardo Ulloa đang gây ấn tượng mạnh mẽ với những phẩm chất và ngoại hình “đặc Anh”. Xứ sương mù đang gợi nhắc tới hình ảnh một cô nàng chạy theo mốt thời trang để rồi bỏ quên những phẩm chất vốn có tạo nên sự khác biệt của mình. Sau cùng họ có phải hối tiếc hay không, hãy để cho VCK Euro 2016 trả lời hộ.