Những đổi khác ở Chelsea so với nhiệm kỳ đầu của Mourinho
Ngay từ những cuộc gặp gỡ đầu tiên, Chelsea và Mourinho đã làm rõ 2 vấn đề: Thứ nhất, gần 6 năm sau khi “Người đặc biệt” bị sa thải, đội bóng muốn ông trở lại; Thứ hai, lần trở lại này sẽ có nhiều điều đổi khác.
Thật vậy, Chelsea đã không còn là đội bóng của năm 2004, khi chiến lược gia người Bồ lần đầu đặt chân đến nước Anh. Lần này, cũng không có phát ngôn cao ngạo nào được đưa ra. Thay vì “Tôi nghĩ mình là Người đặc biệt”, Mourinho chỉ tươi cười: “Tôi là một Người hạnh phúc”.
Sau khi chia tay Mourinho, The Blues không sụp đổ. Ngược lại là khác, họ đã 2 lần vào chung kết Champions League với 1 chức vô địch, họ giành cúp bạc Premier League mùa 2009/10 với số bàn thắng kỷ lục. Họ cũng đăng quang Europa League 2013, và 3 lần giành FA Cup (2009, 2010 và 2012).
Chelsea không còn là đội bóng với một ông chủ ngây thơ chẳng biết gì về bóng đá, chỉ đơn thuần bơm tiền cho những người đại diện mau mồm mau miệng. Cùng với tuổi tác, Roman Abramovich đã đầu tư đúng mực và đúng hướng hơn, dựa trên một bộ sậu đáng tin cậy gồm cố vấn Marina Granovskaya và giám đốc kỹ thuật Michael Emenalo. Lần trở lại London, nhiệm vụ của Mourinho không còn là xây dựng một CLB từ điểm khởi đầu nữa. Ông trở lại để hòa mình vào trong một bộ máy hoàn chỉnh.
Có lẽ đó chính là sự khác biệt giữa
Chiến lược gia người Bồ đóng vai trò then chốt trong sự tiến bộ của không ít trụ cột, điều chưa bao giờ xảy ra ở Milan hay Madrid. Eden Hazard đã giành danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất năm” do Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh bầu chọn, và ở độ tuổi 24, anh đang tiệm cận đẳng cấp của những Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi. Cesar Azpilicueta, từ một hậu vệ phải vốn giỏi tấn công đã trở thành hậu vệ trái giỏi phòng ngự bậc nhất Premier League. Tất cả là nhờ Mourinho.
Chính Mourinho đã “cải tạo” Cesc Fabregas từ một cầu thủ đa năng khi còn ở Barca trở lại thành một tiền vệ làm bóng, giống như thời kỳ đỉnh cao của anh ở Arsenal. John Terry cũng thêm một lần đắc lợi nhờ “Người đặc biệt”. Ở độ tuổi 34, lão tướng người Anh đã có mùa giải có lẽ là hay nhất trong màu áo Chelsea. Branislav Ivanovic cũng thế. Ngoài ra, tầm ảnh hưởng của Mourinho khiến Petr Cech phải chấp nhận vai trò “số 2” suốt từ đầu mùa, nhưng vẫn thể hiện đẳng cấp của mình trong những lần hiếm hoi được tín nhiệm.
Nhưng thay đổi lớn nhất và rõ rệt nhất là sơ đồ chiến thuật của Mourinho. Hệ thống 4-2-3-1 với 2 tiền vệ trụ giàu năng lượng đã được nhà cầm quân 52 tuổi thay thế bằng một tiền vệ trụ (Nemanja Matic) và một tiền vệ kiến tạo lùi sâu (Fabregas). Những “mỏ neo đôi” như Sami Khedira-Sami Alonso, Claude Makelele-Michael Essien, Esteban Cambiasso-Thiago Motta trong quá khứ từng khiến lối chơi các đội bóng do Mourinho dẫn dắt trở nên khô cứng nay không còn được trọng dụng.
Tất nhiên, với một “con quái vật” như Matic, ngay cả một người thận trọng cỡ Mourinho cũng sẽ đủ thoải mái để xếp Fabregas chơi bên cạnh với nhiệm vụ tấn công được ưu tiên. Nhưng thành công của “Người đặc biệt” là ở chỗ đã lựa chọn quá sáng suốt những mục tiêu chuyển nhượng, và một khi đã đặt ra mục tiêu nào, ông sẽ làm mọi cách để có được họ.
Trường hợp Diego Costa cũng là một ví dụ điển hình của cách Mourinho dùng người. Ở Atletico Madrid, tiền đạo 26 tuổi chủ yếu chỉ uy hiếp khung thành đối phương trong những tình huống phản công hoặc cố định. Về với “Người đặc biệt”, Costa đã toàn diện hơn, anh có thể chơi tốt cả trong thế trận phản công lẫn tấn công áp đảo.
Người ta có thể chê bai Chelsea nhàm chán trong một vài tuần trở lại đây, nhưng ở giai đoạn đầu mùa, với những chiến thắng vang dội như màn “hủy diệt” Swansea 5-0, thật khó để nói về họ như thế. Đã có những nốt trầm, khi The Blues bị loại khỏi FA Cup và Champions League. Đó là điều tất yếu, bởi Mourinho đã không xoay vòng đội hình đủ thường xuyên để giữ sức các trụ cột.
Nhìn nhận một cách tổng quan, Chelsea mùa 2014/15 không thể gọi là “nhàm chán” được. Họ quả thực đã “chặn xe buýt” trước M.U và Arsenal, nhưng so với những đội bóng của Mourinho trong quá khứ, The Blues mùa này đã quyến rũ, sáng tạo và hấp dẫn hơn rất nhiều.
Thời điểm trở lại Stamford Bridge năm 2013, Mourinho đồng ý rằng mình cần phải có những thay đổi trong cách làm việc, và ông đã không nói suông. Không phải tất cả những thay đổi của ông đều hoàn hảo. Đã có những sai lầm mà chỉ sự thiếu ổn định của các đối thủ mới giúp Chelsea không phải trả giá, nhưng dám thay đổi, Mourinho đã được tưởng thưởng bằng chức vô địch Premier League cùng Cúp Liên đoàn.
Cú đúp danh hiệu này đứng ở đâu nếu so sánh với cú ăn ba tại Porto và Inter, mùa giải giành 100 điểm ở Real Madrid hay 2 chức vô địch Premier League liên tiếp với Chelsea ở “nhiệm kỳ đầu”? Có thể về mặt thống kê, những thành tích trên ấn tượng hơn. Nhưng với Mourinho và với Chelsea, danh hiệu vô địch nước Anh mùa này mới thật đáng trân trọng.