M.U liên tiếp mua “bom tấn”: Công bằng tài chính ở đâu?
Việc M.U mua sắm vô tội vạ trong những ngày cuối kỳ chuyển nhượng Hè là minh chứng rõ nét nhất cho sự thiếu hiệu quả của luật Công bằng tài chính. Nếu như nhiệm vụ của bộ luật này là nhằm hướng các CLB chú trọng hơn vào đào tạo trẻ, thì “Quỷ đỏ” của nước Anh chọn con đường hoàn toàn ngược lại. Họ lần lượt đẩy đi Michael Keane, Danny Welbeck (và suýt nữa cả Tom Cleverley), những cầu thủ tự đào tạo, để “rước” về Falcao và Di Maria.
Vậy luật Công bằng tài chính ở đâu trong trường hợp này, và tác dụng của nó là gì? Nên nhớ rằng các khoản doanh thu của Quỷ đỏ sẽ mất đi ít nhất 30 triệu euro trong năm nay vì không được dự cúp châu Âu, ấy là còn chưa kể khoản nợ vài trăm triệu bảng bấy lâu vẫn chưa trả hết. Ai cũng biết tất cả những điều đó, nhưng ngược lại, ai cũng biết M.U sẽ chẳng hề hấn gì ngay cả khi đã mạnh tay chi tới hơn 200 triệu euro vào chuyển nhượng.
Luật Công bằng tài chính, cho tới lúc này chỉ đang làm tốt nhiệm vụ… đào sâu thêm khoảng cách giữa đội bóng lớn và đội bóng nhỏ, đúng như Jose Mourinho từng ca cẩm. Các “đại gia” như M.U hay Real Madrid thì kiểu gì cũng tìm được cách “qua mặt” bộ luật sơ hở lỗ chỗ này, còn các CLB ít tiền thì chỉ đành ngậm ngùi trông đợi vào những gì đang có hay những món hàng giá rẻ.
Tiền đạo Falcao vừa gia nhập M.U
Cứ như thế, trật tự của bóng đá châu Âu sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Hè sang năm, M.U sẽ lại mua nếu tiếp tục trắng tay, ngay cả khi ngồi trên băng ghế chỉ đạo là một HLV khác, cho tới khi họ trở lại được đỉnh cao. Real, với đội hình vốn đã toàn những siêu sao tấn công, chẳng có gì đảm bảo sẽ không đưa về thêm một tài năng mới nổi nào đó để cất lên ghế dự bị, bên cạnh những cái tên được thèm khát như Isco hay Khedira. Họ mua theo sở thích mà chẳng màng tới cái bộ luật Công bằng tài chính nào đó các “sếp” UEFA vẫn luôn mồm đe dọa.
Cuối cùng, kẻ khổ nhất vẫn chỉ là những đội bóng nhỏ. Porto, Southampton tiếp tục cử những tuyển trạch viên mẫn cán đi khắp thế giới mang về những ngôi sao tiềm năng để rồi lại ngồi đợi bị “hút máu”, West Brom hay Sunderland vẫn sẽ trung thành với khu vực cầm đèn đỏ, và hạnh phúc với những cú thoát hiểm ngoạn mục vào mỗi cuối mùa.
Tóm lại, bộ luật Công bằng tài chính đang có mà cũng như không, nó chẳng thể cản các “đại gia” dùng tiền để mua danh hiệu. Tất nhiên, mặt tốt của nó là sẽ không còn những trường hợp đau lòng như Leeds Utd trước kia, nhưng một kẻ thất bại đi vào lịch sử như thế có khi còn hơn một cuộc sống bình yên nhưng lay lắt nhạt nhòa…