Giữa tuần qua, có hai khẩu hiệu của CĐV các đội Premier League được lên mặt báo Anh. Đầu tiên, là phản ứng rất rõ ràng của CĐV West Ham về HLV của họ: “Cút đi, Sam Allardyce!” – họ đồng thanh trong trận gặp Man City. Sau đó, là lời đồng thanh của các CĐV Man United ở sân của Sunderland: “Tất cả chúng ta sẽ đứng cạnh ông ấy”.
Phần lớn CĐV Man United vẫn không trách David Moyes theo cách thông thường khi một đội bóng có thành tích tồi, như việc đặt cạnh thái độ rõ ràng của những người yêu West Ham đã chỉ ra.
Họ vẫn hiểu rằng Moyes không hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về những gì đã diễn ra. Ai cũng biết rằng gốc rễ của vấn đề nằm ở chiều sâu đội hình, và để sửa chữa nó thì mọi việc phải bắt đầu từ TTCN, và M.U đã không làm được điều này trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè. Nhưng TTCN tất nhiên không phải chuyện của một mình HLV – ngay cả thời Sir Alex Ferguson vĩ đại cũng như vậy rồi. Bởi vì họ có một ông chủ khác với những ông chủ cho phép HLV được toàn quyền quyết định trên thị trường. Họ có Malcom Glazer và các con trai, những người mà danh tiếng về “sự hào phóng” đã trở nên quá nổi tiếng.
Tờ The Express của Anh hôm qua có bài viết: “M.U là con bò đã bị vắt kiệt sữa”. Quá trình hoạt động của Man United kể từ thời tỷ phú người Mỹ nắm quyền là một quá trình “vắt sữa bò”. Họ gồng lên để trả những món nợ, hay đúng hơn là Sir Alex gồng lên để duy trì sức mạnh cho Man United, đưa họ tới những danh hiệu, những món lời. Nhưng đội hình cứ suy yếu đi và sự bổ sung không đủ - để dẫn tới sự kiệt quệ. Hợp đồng mua Robin van Persie, theo mô tả của báo chí Anh, là lấy tờ giấy dán lên vết nứt trên tường.
Làn sóng chống nhà Glazer, vốn đã nguội bớt sau những chức vô địch trong vài năm gần đây, đang quay trở lại khi “nguồn sữa” quan trọng nhất là Sir Alex Ferguson, người có thể biến không thành có, vá víu cái đội hình không được đầu tư đầy đủ, đã ra đi và để lộ ra rằng M.U đang “hổng” nhiều lỗ.
Cuộc biểu tình quy mô nhất chống nhà Glazer đã diễn ra vào cuối năm 2010, tức là cách đây 3 năm. Khi đó, bom khói đã được ném ngoài sân Old Trafford, những cuộc biểu tình thu hút hàng nghìn người và ngay trong năm đó, doanh số bán áo đấu của M.U giảm ngay 10%.
Nhưng trên các diễn đàn Internet, các Hội CĐV chính thức, người ta đang bắt đầu thảo luận lại về việc tổ chức những chiến dịch như thế. Gây áp lực kiểu đó dường như là cách duy nhất mà các CĐV M.U có thể giúp được CLB: định mệnh của đội bóng này không nằm trong tay họ từ lâu rồi.
Nếu làm gì đó, CĐV M.U cần bắt đầu làm ngay từ bây giờ. Kỳ chuyển nhượng mùa Đông cho đến lúc này vẫn dừng lại ở những “sự quan tâm”. Và rất có thể ngay cả khi họ chi tiền vào thời điểm này, thì cũng không kịp cứu mùa giải của Man United nữa, bởi Quỷ đỏ đã trượt rất sâu và đặc thù của những hợp đồng chuyển nhượng mùa Đông là rất rủi ro. Họ cần làm cho mùa Hè, nơi chứa đựng nhiều hy vọng nâng tầm M.U trở lại.
Trong một giai đoạn bế tắc, thì CĐV M.U phải làm tất cả những gì có thể - và chưa bao giờ những cuộc biểu tình có “tiềm năng” tác động tích cực lên Man United như bây giờ.