Hẳn sẽ có rất nhiều người không đồng tình trước quan điểm này. Ở bất cứ lĩnh vực nào trong cuộc sống, tin rằng chẳng ai mong đối thủ của mình hùng mạnh cả. Nhất là bóng đá. Đội bóng nào cũng muốn đối thủ cùng thành phố ngày càng lụn bại, suy sụp. Họ vui khi chứng kiến đối thủ thua trận và buồn bã nếu người láng giềng ca khúc khải hoàn.
Hai đội bóng thành Manchester không nằm ngoài quy luật ấy. Trước đây các CĐV Man City ghen tỵ khi chứng kiến Man United đăng quang hết cúp này đến danh hiệu nọ. Họ bực bội vì Quỷ đỏ sở hữu quá nhiều ngôi sao sáng giá. Lúc này, CĐV Man United lại “thèm khát” nguồn tài chính dường như vô tận của những ông chủ Ả Rập. Dẫu chưa đến mức không thể đội trời chung như nhiều đội bóng cùng thành phố trên thế giới như River Plate-Boca Juniors, Celtic-Ranger, Roma-Lazio, Fenerbahce-Galatasaray… song thực sự Man City và Man United chẳng ưa gì nhau.
Có một câu chuyện kể rằng, một cậu thanh niên đến chơi nhà cô bạn gái. Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, cậu thanh niên này mặc chiếc áo có biểu tượng Man United. Là người vui tính và dễ mến, nhưng trong suốt cả buổi cậu thanh niên không hiểu tại sao cha cô gái không thèm một lần bắt chuyện. Thậm chí, ông còn không ủng hộ con gái mình làm bạn với gã trai ấy. Sau này, khi tìm hiểu cậu biết rằng, cha cô gái là “fan ruột” của Man City.
Tuy câu chuyện trên chỉ là một trong vô vàn câu chuyện thêu dệt về sự ganh ghét giữa hai nhóm CĐV của Man United và Man City, nhưng hai đội bóng này đúng là tồn tại cả một sự khác biệt và tách biệt lớn.
Vậy thì lý do gì để tin rằng, Man City cần Man United hùng mạnh để trưởng thành?
Trong chiến tranh, những nước nhỏ luôn được lợi khi làm đồng minh với nước láng giềng hùng mạnh. Vì họ yên tâm trước các thế lực bên ngoài. Quan trọng hơn, họ học hỏi được rất nhiều điều từ “tư cách” và “bản lĩnh” của nước lớn ấy. Sau khi tích lũy được cả “tư cách”, “bản lĩnh” và “đẳng cấp”, nước nhỏ ấy không còn là chính họ.
Ví dụ trên hơi trừu tượng, Man City giờ không phải là “nước nhỏ”. Sau khi được tăng cường lực lượng, đội chủ sân Etihad trở nên giàu có và hùng hậu chẳng kém gì Man United. Tuy nhiên, sự giàu có và hùng hậu của Man City có được nhờ tiền của. Cái họ thiếu chính là bản lĩnh, kinh nghiệm và truyền thống. Mà điều đó chỉ có thể học qua trải nghiệm thực tế.
Dù Man City mạnh thế, nhưng nếu chẳng có đối thủ để ganh đua, Man City cuối cùng cũng phải dừng. Như khi trong một lớp học, chỉ có một người giỏi, những người xung quanh đều yếu kém. Liệu người ấy có còn giỏi được nữa?
Man City ganh đua với Man United giờ đây đã là cuộc ganh đua lành mạnh. Điều này vô cùng ý nghĩa cho công cuộc tích lũy giá trị của Man City. Man United càng mạnh, Man City sẽ phải càng cố gắng, nếu không vượt chí ít cũng phải bám theo. Man United không chỉ thắng tưng bừng, mà còn thắng đẹp, buộc Man City phải tìm mọi cách để chiến thắng. Mà lúc này, họ đang “có điều kiện”. Với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Sheikh Mansur, Man City hoàn toàn có thể đưa về sân Etihad những ngôi sao sáng. Đẳng cấp, trình độ của Man City sẽ được nâng lên. Rõ ràng, Man United mạnh trở thành động lực để Man City phấn đấu.
Hẳn nhiều người cho rằng, Man City sẽ học từ đối thủ khác mà không cần học từ Man United. Thử hỏi, mâu thuẫn bắt đầu từ đâu? Nơi nào xuất phát lòng ganh tỵ? Chỉ có ở trong một môi trường, cùng một hoàn cảnh, động lực của sự phát triển mới bộc lộ mạnh mẽ.
Có người nói Man City sẽ theo đuổi lối chơi tấn công hoa mỹ của Barcelona? Những một mùa, Man City bao nhiêu lần đụng độ đội bóng xứ Catalonia? Man City học được gì ở Barcelona khi hai đội cách xa hàng ngàn dặm.
Ước gì Man United luôn duy trì được sức mạnh để trở thành động lực của Man City. Khi đó, một viễn cảnh tươi đẹp của bóng đá xứ sở sương mù sẽ mở ra. Hai đội bóng thành Manchester sẽ song hành trên khắp các đấu trường châu Âu và thế giới. Một đội giành Champions League, đội kia thâu tóm Premier League...