Liverpool: Mạnh vì gạo, bạo vì tiền
John W.Henry, tỷ phú Mỹ là sếp tổng của 2 CLB thể thao lớn, cùng là số 2 ở hai quốc gia Mỹ và Anh. Boston Red Sox, đội bóng chày huyền thoại của Mỹ chỉ sau New York Yaknees, đã chi 180 triệu USD mua 2 ngôi sao Hanley Ramirez và Pablo Sandoval trước mùa giải 2015. Liverpool, đội bóng giàu thành tích số 2 tại Anh chỉ sau M.U, chi 115 triệu bảng mua cầu thủ mới trong mùa giải vừa qua. Thực chất, Liverpool chỉ chi 40 triệu bảng (xấp xỉ 1/4 số tiền mua cầu thủ mới của M.U) bởi đã bán Luis Suarez với giá 75 triệu bảng cho Barcelona.
Cũng dễ hiểu vì sao Liverpool sa sút thậm tệ. M.U đã từ hạng 7 mùa 2013/14 lên hạng 4, chiếm suất dự Champions League mùa tới của Liverpool. Trong nhóm 6 đội dẫn đầu Premier League 2014/15, có 4 đội tiến bộ (tăng hạng so với mùa 2013/14), 1 đội tụt 1 hạng (Man City) còn 1 đội rơi tự do, chính là Liverpool (thụt lùi 4 hạng).
Sân chơi đỉnh cao của thể thao thế giới luôn khốc liệt. Henry hiểu điều đó hơn ai hết. Năm 2012, Red Sox xếp chót. Một năm sau, Red Sox vô địch Mỹ. Và chỉ sau đó 1 năm, Red Sox lại xếp chót. Lập tức, Henry - được ví như Florentino Perez trong bóng đá - tiếp tục giở bài cũ là tung tiền mua siêu sao, với Ramirez và Sandoval. Chưa hết, suýt chút nữa Henry còn chiêu mộ luôn Jon Lester, nhưng cái giá 140 triệu USD do Red Sox đưa ra không thể bì với 155 triệu USD do Chicago Cubs định giá Lester.
Có hai lý do Henry không mua Lester với giá 155 triệu USD. Thứ nhất, Henry khẳng định Lester không đến giá đó. Thứ nhì, Red Sox đã đủ mạnh, dù không có Lester. Henry chính là đại diện cho cái gọi là giấc mơ Mỹ: mạnh vì gạo, bạo vì tiền, nghĩ lớn, làm lớn. Rất giống Perez với Real Madrid trong bóng đá.
Các fan của Liverpool ước gì Henry cũng cưng The Kop như Red Sox. Có vẻ “giấc mơ Mỹ” chỉ đúng với Steven Gerrard, huyền thoại Liverpool vừa dứt áo rời Anfield đến Mỹ để trở thành một trong những cầu thủ nhận lương cao nhất giải MLS. Tại sao Henry không tận dụng ưu thế của câu nói nổi tiếng của nhà báo lừng danh Rick Reilly: “Mỹ và Anh là 2 quốc gia giống nhau về nhiều mặt, nhưng có một khác biệt: trong thể thao Mỹ tạo sự công bằng tối đa ngược hẳn với chính sách xã hội. Ở nước Anh, ngược với Mỹ”. Nghĩa là, trong bóng đá Anh có quyền chi tiền khủng mua cầu thủ mà không sợ ràng buộc quỹ lương trần, chặt chẽ và khó xoay xở như trong thể thao Mỹ.
Nhưng, Henry có vẻ vẫn chỉ xem Liveprool như “con ghẻ”. Henry cũng giống Perez, luôn lập tức sa thải HLV sau một mùa giải thất bát. Nếu Brendan Rodgers không bị sa thải, cũng nghĩa là Henry tự nhận lỗi về mình. Nhận lỗi xong, thì phải sửa lỗi chứ thay vì cứ im lặng nín thở qua sông?
Trang web liverpoolecho.co.uk vừa có bài viết khá hay nhắc nhở ông chủ của Liverpool: John Henry có tên giống một nhân vật là huyền thoại trong lịch sử Mỹ, dám và luôn có thể làm những điều phi thường. Trong tên của sếp tổng The Kop còn có từ W (William), từ W còn có nghĩa là chiến thắng (Win). Henry luôn là người chiến thắng, một kẻ ám ảnh bởi chiến thắng như lời của cô vợ siêu mẫu Linda Pizzuti. Khi họ cưới nhau cách đây 6 năm, nàng chỉ cỡ bằng nửa tuổi chàng nhưng dễ dàng “đầu hàng” trước bản lĩnh đàn ông của Henry (năm nay 65 tuổi).
Pizzuti cực kỳ yêu mến Liverpool, vậy Henry phải tạo ra phép lạ cho The Kop đi chứ? Chẳng lẽ, cứ để giấc mơ Mỹ là chuyện của Red Sox, còn cơn ác mộng nước Anh (như trận thua Stoke 1-6 vừa qua) là chuyện của Liverpool?