Chửi cho đúng!
Thời điểm này 10 năm trước, Arsenal vô địch cúp FA sau trận chung kết “bầm dập” trước M.U. The Gunners bị đối thủ đàn áp tơi bời, cực kỳ may mắn kéo trận đấu đến loạt sút luân lưu 11m, và ở thể loại may rủi dễ lên ngôi này thì Arsenal thắng không lạ. Khi ấy, tương lai của Arsenal được vẽ như một bức tranh toàn màu hồng bởi đội bóng của Arsene Wenger hội đủ mọi yếu tố hướng tới một tương lai tươi sáng.
Này nhé, Arsenal năm nào cũng có danh hiệu. Năm 2005 là cúp FA, 2004 là chức vô địch Ngoại hạng Anh sau mùa giải lịch sử trăm năm có một (theo đúng nghĩa đen) bất bại cả mùa. Từ 2005 tính về trước 8 năm liên tiếp, mùa nào Arsenal cũng hoặc vô địch hoặc tệ nhất là giành ngôi á quân Premier League.
Thời điểm năm 2005 cũng là lúc Arsenal bán tiền vệ Patrick Vieira cho Juventus. Kể từ đó đến nay, chưa bao giờ The Gunners leo lên nổi vị trí thứ 2 chung cuộc ở giải Ngoại hạng Anh. Thế là một bài báo trên tờ Metro của Anh chạy tít: Arsenal phạm sai lầm lớn nhất dưới thời Wenger là vụ bán Vieira.
Xin thưa, dù còn Vieira thì chưa chắc Arsenal đã khá hơn, bởi tầm ảnh hưởng của tiền vệ này không quá lớn đến mức đủ thay đổi vận mệnh đội chủ sân Emriates. Nhân nhắc đến sân Emirates, phải nhắc lại là sân này khai trương vào tháng 7/2006, tức ngay sau khi Arsenal lọt vào trận chung kết Champions League một phần nhờ sự toả sáng của Fabregas khi đánh bại Juve của… Vieira!
Tóm lại là từ 2004 đến 2006, Arsenal lên như diều gặp gió, Wenger bảo khi có một sân mới với sức chứa không dưới 60.000 chỗ như sân Emirates, The Gunners sẽ tự tin cạnh tranh ngôi cao nhất ở mọi giải đấu tại Anh.
Lúc ấy, ai dám bảo Wenger “nổ”? Nhưng lịch sử đã chứng minh HLV của Arsenal đã… chém gió! Arsenal 9 năm liên tiếp không có danh hiệu, chỉ đoạt cúp FA mùa rồi khá may mắn. Mùa này The Gunners lại lọt vào chung kết FA Cup khá may mắn (nhờ sai lầm của thủ môn Adam Federici của Stoke ở hiệp phụ vòng bán kết). Ở Premier League, Arsenal lại trắng tay một cách vui vẻ, và Wenger lại hứa hẹn “sẽ có hy vọng ở mùa sau”.
Những anti-fan của Arsenal sẽ dễ dàng chỉ trích Wenger, nhưng nếu xét kỹ đây không phải thủ phạm chính. Những “hung thủ giấu mặt nhưng biết tên” là hai tỷ phú – cổ đông lớn nhất của Arsenal là Stan Kroenke và Alisher Usmanov.
Họ là dân kinh doanh, Arsenal mỗi năm ăn nên làm ra đều đều, xét tiêu chí kiếm tiền thì thành công rực rỡ. Sẽ không có gì đáng nói nếu Kroenke và Usmanov không lên tiếng kiểu “Arsenal phải tranh ngôi vô địch Anh”. Lực không đủ, thì làm gì được? Quảng cáo và PR là phần tất yếu trong mỗi chiến lược kinh doanh, nhưng có cần phải nổ đến mức quá đáng không?
Những người xem bóng đá không phải dân làm bóng đá như Kroenke, Usmanov, Wenger song chắc chắn cũng không thiếu khả năng phân tích tình huống. Không nên cổ suý cho những trò chửi rủa mà không hiểu rõ thực chất của vấn đề, như nhiều người đang nhắm vào một sản phẩm công nghệ nội địa gây sốt những ngày qua. Nhưng không có gì quá đáng khi chỉ trích một hãng hàng không vì hành lý của khách hàng bị lục tung. Người bị hại không cần biết đơn vị nào vận chuyển hành lý, chỉ biết sử dụng dịch vụ của hãng hàng không nào thì hãng đó phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Trở lại chuyện của Arsenal. Chỉ mong nạc ra nạc, mỡ ra mỡ. Wenger, Kroenke, Usmanov không nên chém gió tưng bừng để rồi cuối mùa tổng kết theo điệp khúc “được thế là tốt rồi”. Arsenal ở đẳng cấp Liverpool, Tottenham hoặc chung xuồng với M.U, Chelsea, Man City cũng được, chỉ cần nhìn nhận sự thật và cố gắng hết sức là ổn.