1. Hồi năm 2009, khi Henry đủ đầy danh hiệu ở Barca và bắt đầu nghĩ đến chuyện ra đi, người Anh từng gợi ý Wenger đưa anh về lại Arsenal. Nhưng Wenger lúc đó quả quyết rằng: “Chúng tôi luôn trân trọng và nhớ đến anh ấy, nhưng chính sách của tôi là không ký lại hợp đồng với những người đã đi khỏi đội bóng. Tôi không thể tạo một tiền lệ phá vỡ chính sách ấy”. Nên nhớ, thời điểm đó, lực lượng Arsenal bắt đầu mỏng dần và họ vẫn bị giễu cợt là “lũ trẻ chơi bóng”. Họ cần Henry hơn bao giờ hết, không phải vì khả năng mà vì kinh nghiệm của anh. Song, khi Wenger nói không, thì điều đó không khác gì một “nghị quyết” mà ở Emirates khó ai có thể chống lại.
Hơn 1 năm sau, Arsenal đón lại Sol Campbell với danh nghĩa muốn xây dựng kinh nghiệm cho lớp trẻ. Lần ấy, không thấy Wenger nhắc đến chính sách mà ông đưa ra. Campbell đúng là ở lại Arsenal không được lâu, anh chỉ chơi cho đội bóng cũ 11 trận rồi khăn gói sang Newcastle. Và kinh nghiệm mà Campbell truyền lại cho lớp đàn em cũng không nhiều...
2. Nhưng chính việc Campbell đến đã để lại một dấu ấn rất lớn khác cho Arsenal hôm nay. Đó là Wenger đã phá bỏ chính gông xiềng mà ông tự tạo ra. Henry đã quay lại, dù chỉ là 2 tháng nhưng chắc chắn, khoảng thời gian ấy anh sẽ có ích cho Arsenal rất nhiều. Đừng mong Henry sẽ ghi bàn san sẻ cho Van Persie hay làm bóng cho lớp đàn em mà hãy nghĩ xa hơn. Henry là một tượng đài và 2 tháng ở Emirates, anh sẽ giúp lớp trẻ thấm nhuần hơn văn hoá, bản sắc của Pháo thủ. Cầu thủ người Pháp thừa uy tín để làm việc đó và việc Arsenal dựng tượng Henry đủ chứng minh giá trị của anh với họ là như thế nào.
Một ví dụ nhỏ để đủ hiểu Henry được lựa chọn không phải vì kỳ vọng săn bàn cùng Van Persie mà chính là việc Wenger đang xúc tiến hỏi mua Podolski. Chia lửa cho Van Persie là tiền đạo người Đức chứ không phải một Titi huyền thoại, bởi Wenger thừa hiểu Titi hôm nay khác xưa thế nào. Nhưng ông biết các cầu thủ Arsenal vẫn nể trọng Henry lắm, mà hành động Walcott sẵn sàng nhường lại số áo 14 của mình là minh chứng rõ nhất.
3. Wenger có rất nhiều chính sách, 2 chính sách điển hình kế tiếp chính là “không mua siêu sao” và “không trả lương quá cao cho một ai đó”. Đó là 2 chính sách giúp Arsenal tồn tại vững chãi và cân bằng như hôm nay. Nhưng nó cũng hạn chế Arsenal ở khả năng phấn đấu đoạt danh hiệu. Việc lọt vào Top 4 hiện tại rõ ràng có nỗ lực của Arsenal rất nhiều, song nó cũng có phần may mắn bởi Chelsea vấp ngã. Mà Chelsea đâu phải lúc nào cũng sẵn sàng vấp ngã để Arsenal có cơ may? Đó là còn chưa kể đến nhiều đối thủ cạnh tranh khác.
Vậy thì phải chăng, đã đến lúc Wenger nên lần nữa có tiền lệ để gỡ bỏ, một chút thôi, chính sách khô cứng của mình? Chính sách là do con người tự đặt ra để làm chủ tình hình chứ không phải để bị cầm tù trong nó. Và tiền lệ, nếu không có sự dũng cảm để tạo ra một trường hợp đặc biệt, sẽ không bao giờ có tiền lệ đặc biệt nào mang lại sự tích cực cả.
Thị trường chuyển nhượng mùa Đông đã mở cửa. Henry từng là người lĩnh lương cao nhất, như một trường hợp đặc biệt, ở Arsenal ngày nào. Vậy thì Wenger có nhớ đến trường hợp đặc biệt, tiền lệ Campbell và những hệ quả tích cực của nó để tự giải phóng mình hay chăng?
Bongdaplus.vn