
1. Quả bóng thi đấu chính thức của VCK EURO 2012 được phủ bởi 3 hoa văn thiết kế khác nhau, theo mô tả của Adidas là tượng trưng cho 3 giá trị: sự đoàn kết (unity), sự kình địch (rivaly) và niềm đam mê (passion). Nếu các nhà tổ chức của EURO đã tin rằng bóng đá được tạo ra bởi 3 giá trị ấy, hãy tạm đồng ý với họ.
Sự đoàn kết và niềm đam mê tạo ra bóng đá thì rõ ràng rồi. Nhưng “sự kình địch” là gì, và tác động của nó lên bóng đá như thế nào, sẽ là chuyện cần suy ngẫm trong hôm nay, khi Tottenham gặp Chelsea. Cặp đấu ấy có đáng được coi là “kình địch” không, dù họ ở cùng thành phố và đây sẽ “mang tiếng” là một trận derby?
Chữ “rival” – kình địch trong tiếng Anh có nguồn gốc rất thú vị. Nó có cùng gốc gác với danh từ “river”, con sông. Thời cổ đại, nguồn nước là tiền đề tối quan trọng để duy trì một cộng đồng dân cư, và chữ “rival” ra đời ban đầu để ám chỉ hai ngôi làng ở hai bờ một dòng sông: họ kèn cựa để sở hữu thứ tài nguyên quý giá ấy.
Và nếu xét theo cái ý nghĩa nguyên bản ấy, là sự kình địch được tạo ra khi người ta cạnh tranh vì một lợi ích thiết yếu, thì cuộc đấu giữa Chelsea và Tottenham, bất kể quá khứ của họ có êm đềm thế nào, chính là cuộc đấu của những kình địch. Họ đang cùng hướng tới “suối nguồn” Champions League.
2. Tottenham xứng đáng được coi là một hiện tượng của Premier League: họ không chi tiêu theo kiểu Chelsea hay Man City để vươn đến vị thế hiện tại, cái vị thế có thể cạnh tranh với các đại gia. Nhưng cái gọi là “hiện tượng” của giải đấu này cũng xứng đáng là cơn ác mộng của những giải VĐQG khác (và tất nhiên là cái gai trong mắt ông chủ tịch thích công bằng tài chính của UEFA).
Tottenham đã luôn nằm trong tốp những CLB chi nhiều nhất trên TTCN từ năm 2008 tới nay, và hiện có một quỹ lương chiếm tới 60% doanh thu. Họ nợ khoảng hơn 60 triệu bảng. Và quan trọng nhất, là Tottenham không phải là một thương hiệu lớn ở ngoài nước Anh: doanh thu từ thương mại (bán áo đấu, sản phẩm, nhượng quyền thương hiệu) của Spurs mỗi năm chưa đến 10 triệu bảng, chưa bằng 1/10 những M.U hay Liverpool. Nghĩa là khả năng “thu hồi vốn” của đội bóng này thấp hơn các ông lớn khác rất nhiều.
Một mùa giải dự Champions League không biến Tottenham thành thiên nga, nếu không muốn nói là hoàn toàn vô nghĩa. Doanh thu từ mùa giải mà họ khuấy đảo châu Âu với những pha đi bóng của Gareth Bale trước hàng thủ Inter Milan là 23 triệu bảng. Mùa ấy, họ ném tới 40 triệu ra TTCN.
Người ta hay nói rằng bởi Abramovich đã chi cho Chelsea quá nhiều tiền, nên họ buộc phải thành công. Thực ra, áp lực này ở “con nhà nghèo” Tottenham còn lớn hơn. Họ đã chi tiêu quá sức trong một thời gian dài.
3. Áp lực của Chelsea đã lớn, áp lực của Tottenham còn lớn hơn. Hai kẻ sắp chết khát đứng bên dòng sông Champions League, và phải triệt hạ lẫn nhau để uống nước trên dòng sông ấy. Bỏ qua cái lịch sử ít điều tiếng của thành London và tư cách “chiếu dưới” của Tottenham suốt 2 thập kỷ qua, đây là trận cầu của 2 đại kình địch.
Sự hào phóng của Premier League dường như đã khiến mọi cuộc đối đầu của giải đấu này bây giờ đều là “đại chiến”: trông ai cũng có dáng của những kẻ ở bước đường cùng.
Bongdaplus.vn