Lăng Kính: Một sự thực của Wenger
1. Sau 4 vòng đầu tiên, Arsenal bay bổng trong những lời ngợi khen, đặc biệt là những khen cho hàng phòng ngự chắc chắn khi chỉ thủng 1 bàn (thắng Southampton 6-1). Nhưng sau 11 vòng đấu, Arsenal lại bị “vùi dập” trong những lời chê thậm tệ mà đặc biệt lại vẫn dành cho hàng phòng ngự. Đúng là hàng thủ của họ đã để mất đi quá nhiều điểm số quan trọng, ở cả Premiership lẫn Champions League. Điển hình nhất là hai trận “lẽ-ra-đã-thắng” của họ trước Schalke (2-2) và Fulham (3-3).
Miệng lưỡi thế gian thật đáng sợ. Cái khen, cái chê thay chỗ của nhau nhanh như chảo chớp. Hôm trước mới vừa thế này, hôm sau đã khác hẳn. Quy luật của nhân sinh nó là như thế, đối phó với nó đã quá đủ mệt mỏi rồi. Vậy mà áp lực vẫn chưa thể để Wenger thoát ra khỏi nó bởi đã 7 năm rồi Arsenal không có danh hiệu nào. Thế mới hiểu, vì sao làm HLV lại chóng già đến thế.
2. Tối nay Wenger sẽ đối diện Tottenham, đội bóng có thể nói rất nhiều duyên nợ với ông, nhất là những duyên nợ liên quan đến hàng phòng ngự.
Ở thời điểm hiện tại, người Tottenham đang ngất ngây với phong độ của trung vệ Caulker, người đã chơi rất hay ở cả CLB lẫn lần ra mắt ĐTQG. Một trong những lý do để Caulker trưởng thành nhanh đến thế là bởi Tottenham vốn dĩ là cái lò đào tạo các trung vệ giỏi. Đã từng có một Sol Campbell bắt đầu từ đó; đã từng có một Ledley King vẫn còn tồn tại ở White Hart Lane. Và một nguyên nhân khác nữa để Caulker trưởng thành nhanh như vậy là bởi anh ngày ngày được kề cận với William Gallas, người từng được coi là trung vệ hàng đầu Premiership.
Nhắc đến Gallas, hẳn sẽ có người nhớ lại thời anh còn ở Arsenal. Và so sánh phong độ của Gallas ở Arsenal với phong độ của anh ở Chelsea và Tottenham hiện nay, hẳn không ít người giật mình nhận ra rằng: thời gian ở Arsenal là lúc Gallas chơi tệ nhất.
Điều đó lại trái ngược với Sol Campbell. Anh tỏa sáng ở Tottenham và sau đó, trở nên rực rỡ, xứng tầm trung vệ số 1 nước Anh khi chuyển sang chơi cho Arsenal.
Hai chiều phong độ của hai con người ấy, như một nghịch lý, nhưng lại hoàn toàn hợp lý.
3. Wenger mới hé lộ ý định hồi sinh Arsenal dựa trên nền tảng tái tạo lại sức mạnh của hàng thủ như hồi mùa 1997/98. Đó là một ý định nghiêm túc nhưng thực sự rất khó thực hành, nhất là dưới tay Wenger.
Thời 1997/98, bộ tứ Dixon-Adams-Keown-Winterburn là ai? Họ là những người có mặt ở Highbury từ trước khi Wenger đặt chân đến London. Họ duy trì sức mạnh hàng thủ của Arsenal một thời gian dài và không ai khôi phục lại được sức mạnh ấy khi họ giải nghệ.
Wenger đưa về nhiều ngôi sao phòng ngự, như Cygan, Luzhnyi, Toure, Djourou, Lauren, Senderos, Mertesacker, Koscielny, Squillaci… nhưng ngoài Sol Campbell và Kolo Toure ra, không ai trong số đó trở nên xuất sắc và tầm vóc cả.
Có vẻ như Wenger không phải người tinh tường trong việc chọn lựa các tiềm năng ở hàng thủ?
Lối chơi của Arsenal dưới thời Wenger vốn dĩ không phải dựa trên sức mạnh hàng thủ mà cơ bản là dựa trên sự áp chế đối thủ nhờ tuyến tiền vệ và hàng công.
Và trong một lối chơi cởi mở như thế, không phải hậu vệ nào cũng có thể trở nên hiệu quả như mong muốn.
Mùa 1997/98, hàng thủ Arsenal mạnh thật nhưng xét đến cuối mùa, số bàn thua của họ vẫn nhiều hơn M.U.
Thế thì vấn đề tái tạo sức mạnh Arsenal, không phải bắt đầu từ hàng thủ, mà phải bắt đầu từ hàng công, đúng theo bản sắc áp chế đối phương của Arsenal Wenger.
Và đó mới là sự thực lớn nhất của Giáo sư…