Cũng tại cột báo này, chúng tôi đã từng phân tích rằng việc tỷ phú Sheikh Mansour đổ tiền vào bóng đá không chỉ mang lại lợi ích cho Man City: đồng tiền ấy theo thị trường chuyển nhượng sẽ chảy xuôi trong “chuỗi sinh thái bóng đá”, đến tận những CLB nghèo ở châu Phi hay Nam Mỹ.
Nhưng vấn đề nào cũng có hai mặt. Đặc biệt là khi một “hệ sinh thái” đang tự tuần hoàn (bóng đá thế giới) phải chịu tác động của một yếu tố ngoại lai (tiền từ dầu mỏ của những nhà tỷ phú).
Có một ví dụ về việc “hệ sinh thái” đảo lộn vì sự xâm nhập ngoại lai: Trong Thời đại Khám phá (giữa thế kỷ 15 và 16, thời của những Colombus và Magellan), người ta đã thả những con thỏ lên các hòn đảo xa đại lục để làm thức ăn dự trữ cho khách qua đường. Nhưng cuối cùng thì thỏ lại sinh sôi quá đà, gây hại cho hệ sinh thái. Người ta lại thả mèo nhà lên để diệt thỏ. Kết quả: rất nhiều loài chim và bò sát tuyệt chủng vì sự phát triển vô tội vạ của mèo, cho đến tận ngày hôm nay.
Lý do đơn giản là tự nhiên vốn không có cơ chế riêng nào cho mèo nhà, nó không có thiên địch. Nó “vô đối” vì nó xa lạ.
2. Trận tứ kết Carling Cup vừa qua giữa Man City và Arsenal, từ các khán đài, người ta thấy nhóm CĐV Man City đồng thanh hô một câu rất chua chát: “Arsenal chỉ là CLB sân sau của Man City”. Nguyên văn là “feeder club”, một CLB nhỏ thường được các ông lớn sử dụng làm nơi để cầu thủ trẻ của mình thu nhận kinh nghiệm, và lấy về sau khi đã trưởng thành, giống mối quan hệ giữa Royal Antwerp của Bỉ và M.U ở Anh.
Họ muốn ám chỉ Arsenal chỉ như một cái lò đào tạo, nơi Man City có thể thò tay đến lấy bất kỳ cầu thủ nào họ thích. Và đáng buồn nhất, là trong thời kỳ đồng tiền thống trị, tuyên ngôn ấy rất gần với sự thật.
Người ta hay liên hệ sự ra đi của Nasri và Fabregas với những cuộc chia ly trước đó của Vieira hay Henry: nguyên nhân cùng đến từ khả năng tài chính của Arsenal. Nhưng thật ra, đòn giáng vào Wenger nặng nề hơn nhiều.
Ông bảo rằng đây là lần đầu tiên ông mất cầu thủ khi họ vừa mới bắt đầu trưởng thành. Henry và Vieira đều đã phục vụ Arsenal nhiều năm, nghĩa là Wenger đã hái được quả từ cái cây mình chăm bón. Còn việc Nasri và Fabregas ra đi, là một lời khai tử với chính sách “tự cung tự cấp” của Arsenal. Họ đào tạo ra, nhưng sẽ không được hưởng thụ.
Đó chính xác là vị thế của một “CLB sân sau”. Và khi Arsenal trở thành một sân sau, nghĩa là hệ sinh thái đã bị đảo lộn.
3. Nếu coi bóng đá thực sự là hệ sinh thái, thì hãy cứ tưởng tượng rằng Arsenal bây giờ giống như một loài chim, vốn đã tồn tại và phát triển bằng việc chống lại một số yếu tố tự nhiên nhất định trong hàng vạn năm, giờ lại phải đương đầu với loài mèo nhà bỗng nhiên được thả vào trong rừng: loài chim ấy có thể sẽ diệt vong. Không cách nào cưỡng lại được.
Trước khi có Man City, Arsenal vẫn “thắt lưng buộc bụng”, nhưng vẫn có thể duy trì cuộc sống trên đỉnh cao bằng sự xoay sở tài tình của Wenger. Sau khi nhận tác động của “yếu tố ngoại lai” Sheikh Mansour, họ có một trong những khởi đầu tồi tệ nhất lịch sử.
Bởi ngay cả trong trường hợp có thay đổi chính sách chuyển nhượng, tiềm lực kinh tế của Arsenal cũng không bao giờ sánh ngang được với Man City, Chelsea hay các CLB có tỷ phú đỡ lưng khác.
Tất nhiên, lịch sử tự nhiên còn ghi nhận cả những sự tiến hóa. Nhưng loài chim sẽ phải tiến hóa nhanh đến không tưởng, bởi mèo rừng càng lúc càng hung hãn và khát máu.
Bongdaplus.vn