Lăng Kính: Cưỡi ngựa đường dài
>> AVB tái ngộ Chelsea: Chiến thắng nảy mầm từ thất bại
>> Villas-Boas xem thường chức vô địch CL của Chelsea
1. Sau một hiệp 1 chơi như mất hồn, Chelsea rời sân với tỷ số 0-0. Trong phòng thay đồ, Mourinho đã lăng mạ học trò, bắt họ cởi áo thi đấu ra, để nói chuyện với mình. Các cầu thủ The Blues vô cùng tự ái. Nhưng rồi chính sự tự ái ấy giúp Terry và các đồng đội thi đấu hăng hái trong hiệp 2, ghi 2 bàn và đăng quang sớm.
Cái làm nên đẳng cấp của một HLV, không phải là tìm ra công thức chiến thắng, mà là sửa chữa đội hình khi có vấn đề, vượt qua thử thách. Đẳng cấp “người tài xế” trong bóng đá không nằm ở cách họ xuất phát, mà ở cách họ sửa máy khi khựng lại giữa đường.
Người ta gọi Sir Alex là Máy sấy tóc bởi ông biết cách đập tan sự trì trệ của cầu thủ bằng những lời “úy lạo” thổi bay tóc. Người ta tôn vinh Mourinho bởi cách thay người, khâm phục Benitez nhờ khả năng xoay vòng, thần tượng Wenger bởi cách ông vá những lỗ hổng toác trong đội hình Arsenal mỗi mùa Hè qua…
2. Phóng viên hỏi Andre Villas-Boas rằng, so giữa việc bất bại cả mùa giải của Porto (Villas-Boas tạo ra) với chức vô địch Champions League của Chelsea (thứ người ta tạo ra sau khi sa thải ông), thì cái nào quan trọng hơn. Ông trả lời gọn: “Bất bại tại giải VĐQG”.
Có thể Villas-Boas nói ra điều đó trong nỗi oán hận vẫn chưa nguôi, bởi một quyết định sa thải mà chính người đưa ra nó, tỷ phú Abramovich, cũng hiểu rằng lỗi lớn thuộc về… cầu thủ. Nhưng ông không quá vô lý.
Chức vô địch Champions League của Di Matteo chỉ được tạo ra sau 6 trận đấu, tính từ trận lượt về gặp Napoli cho đến chung kết gặp Bayern Munich. Tất nhiên, đó là 6 trận đấu hay. Nhưng giải VĐQG là một cuộc đua đường trường đầy khắc nghiệt.
Ở đó, 10 trận đấu hay chưa chắc đã làm nên cơ nghiệp chứ đừng nói tới 6. Man United từng chỉ cán đích ở vị trí thứ 4 ở mùa giải 1985/86 sau khi thắng 10 trận liên tiếp đầu mùa giải.
Chính bởi thành tích “quan trọng hơn Champions League” ấy, nên Andre Villas-Boas mới được Chelsea chiêu mộ với giá trị chuyển nhượng cao nhất lịch sử, 15 triệu bảng, và nhận lương 125.000 bảng/tuần, cao gấp rưỡi Alex Ferguson. Sẽ không ai trả cho một HLV dẫn dắt tốt trong 6 trận mức lương ấy.
3. Đường dài mới biết ngựa hay. Bởi đường dài mới dễ phát sinh biến cố. Đến lúc này Di Matteo chưa gặp vấn đề gì to tát. Champions League năm ngoái, ông chọn cho Chelsea một lối chơi phòng ngự tử thủ. Mô hình ấy thành công rực rỡ. Premier League năm nay, ông chọn cho họ một lối chơi tấn công linh hoạt. Nó lại thành công, như một cơ duyên, khi mà Hazard, Mata thay phiên nhau tỏa sáng.
Người ta sẽ phải chờ đến lúc có vấn đề, mới biết được đẳng cấp thật sự của Di Matteo. Thực tế thì thứ đã “dẹp loạn” phòng thay đồ Chelsea lúc ông lên nhậm chức, chính là cái trát sa thải Villas-Boas, là lời dọa dẫm của ông chủ Nga…
Tuyên bố của Villas-Boas như một lời thách thức dành cho người kế nhiệm: hoặc thành công tại giải VĐQG, hoặc trình độ của ông vĩnh viễn bị đánh giá một cách nửa vời.
Hoặc biết đâu, chính Villas-Boas tối nay sẽ dạy cho Di Matteo biết rằng cưỡi ngựa đường dài gian nan như thế nào?