Còn nhớ, khi tỷ phú Abramovich mua lại Chelsea và đổ hàng đống tiền vào đầu tư, đội bóng này đã vô địch ngoạn mục bằng một lối đá vững chắc. Nhưng sau đó người ta chê bai Chelsea rằng: “Bỏ tiền ra mua thành tích kiểu trọc phú”. Những chê bai ấy càng có cơ sở hơn khi mỗi mùa bóng trôi qua lại có thông báo Chelsea lỗ, trong khi M.U, Arsenal có lãi, kiếm ra nhiều tiền. Nhưng song song đó cũng có những người bênh vực Chelsea với lập luận: “Thời này là thời của đầu tư và muốn có thành tích thì phải đầu tư. Còn Arsenal, họ có lãi đấy nhưng họ không có thành tích. Mà bóng đá khi thiếu thành tích thì vứt”.
Luận điệu chỉ trích cũng như ủng hộ nói trên giờ được hướng về phía Man City. Nó ngày càng sôi nổi hơn khi Man City trở thành đội bóng lỗ nhiều nhất châu Âu ở năm tài khoá vừa qua và chiến dịch Champions League của họ thất bại. Và giả như cuối mùa bóng này, Man City không đoạt được thành tích gì ở Anh quốc, ắt hẳn sẽ có ối kẻ chê cười rằng: “Man City toàn xài tiền ngu”. Còn ngược lại, nếu họ thành công ở Premiership, sẽ lại có dè bỉu kiểu: “Báu gì cái thành tích trọc phú ấy. Rồi vài bữa nữa phá sản, hết tiền hay bị cấm cửa ở Champions League theo luật công bằng tài chính thì mới biết thế nào là lễ độ”.
2. Trong khi đó, ở Arsenal đã nhiều mùa bóng rồi dù không có thành tích, nhưng tiền thì vẫn thu đều đều. Họ không dám bỏ nhiều tiền để mua cầu thủ trong khi “chảy máu” thì vẫn đều đều. Và những chỉ trích cũng nổ ra theo kiểu: “Đó là CLB không còn tôn trọng NHM, lúc nào cũng chỉ lo làm tiền chứ không màng đến thành tích”. Chỉ trích càng rộ hơn khi đầu mùa này, người đại diện của chủ tịch Stan Kroenke đã nói rất “dại” rằng: “Champions League là cái gì? Arsenal chẳng cần Champions League”. Chỉ trích ấy không sai bởi bóng đá trước tiên phải là thể thao cái đã rồi sau đó mới là ngành kinh doanh này nọ. Mà đã là thể thao, không thành tích, không kỷ lục, không chức vô địch thì rõ ràng là vứt đi cho rồi. Nếu chơi cho khoẻ, cho vui thì chơi phong trào là đủ, đầu tư làm gì, bon chen làm chi?
Nhưng những ai yêu mến Arsenal cũng có lý lẽ riêng. Họ bênh vực CLB và HLV của mình bằng lập luận đơn giản: “Thành công không chỉ là thành tích mà còn là phát triển bền vững”. Đúng, họ có lý bởi không thể phủ nhận Arsenal đang là CLB có cơ cấu phát triển bền vững nhất châu Âu hiện nay.
3. Nói chung mọi khen chê đều chỉ là bao biện của những người quan tâm ngoài cuộc hết cả. Thành công là thành tích hay là phát triển bền vững ư? Câu hỏi đó chỉ có CLB là nắm rõ nhất bởi đó là đường hướng của riêng CLB, được họ xác lập ra, phấn đấu theo nó, cố gắng vươn tới nó và vượt qua mọi khó khăn vì nó. Những người trong cuộc ấy chỉ đối phó với dư luận thôi chứ không hề đưa ra lý do nào bao biện cho cách làm của mình.
Bao biện nào cũng chỉ là bao biện mang đầy tính chủ quan. Nếu cái chủ quan của mỗi bao biện trong chúng ta đồng dạng với suy nghĩ, mong muốn, ý tưởng của mỗi CLB, hẳn Arsenal sẽ không giữ HLV Wenger lâu đến thế; hẳn Mansour hay Abramovich không chi tiền (cả chuyển nhượng lẫn lương) nhiều đến thế. Họ luôn khôn ngoan, giỏi giang nên họ mới có những thành công cá nhân như thế. Và hơn hết, họ tự biết mình đang làm gì, có đi đúng con đường đặt ra hay không?
Thế mới hiểu hơn, thói quen xấu của con người là cứ thích “soi” chuyện không phải của mình để rồi tự đưa ra bao biện theo ý mình cho một hoàn cảnh mà nhiều khi chính chúng ta cũng chẳng hề nắm rõ...
Bongdaplus.vn