Lăng kính: Chàng Don Juan vô trách nhiệm mang tên Premier League
>>
>>
>>
1. Tháng 2/2010, khi Chelsea gặp Arsenal tại Stamford Bridge, người ta nhìn thấy trên khán đài 2 trong số những nhân vật có ảnh hưởng nhất làng giải trí Mỹ: tài tử Matt Damon và đạo diễn Paul Greengrass. Đó là bộ đôi đã tạo nên hình ảnh điệp viên Jason Bourne trong loạt phim cùng tên, “tàn phá” các phòng vé Mỹ trong thập kỷ qua. Một bộ đôi “cuồng” bóng đá.
Có một câu chuyện nổi tiếng về tình yêu bóng đá của đạo diễn Paul Greengrass và bóng đá. Khi trò chuyện với kênh BBC của Anh, ông khẳng định rằng mình sẽ chỉ làm tiếp loạt phim về Jason Bourne nếu Tottenham lọt vào top 4 Premier League.
Đó là năm 2008, khi phần ba của loạt phim, Tối hậu thư của Bourne, vừa đoạt 3 giải Oscar và đạt doanh thu 450 triệu USD. Thế là giới hâm mộ điện ảnh thấp thỏm cầu nguyện cho số phận của Tottenham. Tiếc là Spurs chỉ xếp thứ 8 trong mùa giải 2008/09.
Không biết có phải vì thế, Paul Greengrass từ chối tiếp tục tham gia chỉ đạo phần 4 của Bourne. Ông “bạn bóng” Matt Damon cũng tuyên bố nếu không có Greengrass thì cũng chẳng thèm vai chính. Thế là nhà sản xuất phải thay đổi kế hoạch, làm phần 4 của phim Jason Bourne mà… không có nhân vật Jason Bourne, vì nó đã đóng đinh vào hình ảnh Matt Damon.
Chuyện đùa mà không đùa. Gì chứ thị trường điện ảnh, vốn có tổng trị giá hơn 30 tỷ USD mỗi năm, mà thượng tầng cũng bị ảnh hưởng bởi môn bóng đá thì đáng sợ lắm.
2. Trong ngày Tottenham, Liverpool và Chelsea cùng đá giao hữu trên đất Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, rất thích hợp để nói về tác động xã hội của môn thể thao này, hay cụ thể hơn là Premier League.
Có rất nhiều thống kê nói lên sức mạnh kinh khủng của 22 chàng trai, quả bóng và ông trọng tài trên sân. Ví dụ như năm 2002, khi ĐT Anh lọt vào tứ kết World Cup, nước Anh chứng kiến tỷ lệ sinh tăng 0,25%. Đó là lần đầu tiên tỷ lệ sinh nước này tăng kể từ năm… 1996 (Tam sư lọt vào bán kết EURO). Báo chí Anh kết luận rằng có vai trò của bóng đá trong những sự kiện này. Có thể đó là tác động của sự hưng phấn, hay giả ngược lại, người ta cần “làm gì đó” để quên đi nỗi buồn thất trận.
Một dự án như mỗi tập phim Jason Bourne có tổng vốn đầu tư khoảng hơn 100 triệu USD, là loại dự án không tầm thường. Và cứ nghĩ đến việc có hàng triệu người bị tác động tâm lý nặng nề sau mỗi trận bóng, không biết có bao nhiêu dự án trị giá hàng trăm triệu USD, không liên quan gì đến bóng đá nhưng vẫn bị ảnh hưởng sau khi trọng tài tuýt 2 hồi còi dài kết trận?
3. Những trận giao hữu của Premier League ngoài lục địa châu Âu, vì thế, không đơn thuần là việc đi “làm kinh tế” cho riêng họ. Khi Premier League mở rộng thị trường, nó cũng đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng lên xã hội.
Không phải ai ai trên thế giới cũng có sẵn một CLB trong trái tim. Chính vì thế các CLB mới phải đem quân rong ruổi mấy vạn cây số để chinh phục thêm những trái tim mới.
Nhưng rắc rối nằm ở chỗ: các CLB Premier League đi khắp các lục địa cưỡng đoạt những trái tim, mở rộng ảnh hưởng xã hội, nhưng lại rất vất vả trong việc chịu trách nhiệm về chính số phận mình.
Họ nợ đầm đìa như thế, cứ tưởng tượng đến cảnh Abramovich bỏ Chelsea, Liverpool vỡ nợ hay Arsenal trắng châu Âu vài ba mùa liên tiếp, rồi lại nghĩ đến việc có người ruồng rẫy cả những dự án kinh tế trăm triệu đô vì họ, bất giác rùng mình.
Premier League, từ rất lâu rồi có dáng dấp của một gã Don Juan vô trách nhiệm.