Lăng kính: Từ Mancini đến Wenger...
Robin van Persie không sang châu Á cùng Arsenal dù trên lưng anh ta vẫn là số 10 của Pháo thủ còn trên lưng Podolski thì đang trống không. Tất cả những điều đó cho thấy Arsenal chẳng quá thiết tha giữ một người đã muốn dứt áo ra đi. “Vắng mợ thì chợ cũng vẫn đông”, tất cả những ai còn ở lại Arsenal chỉ đợi Van Persie “biến” để số 10 kia lên lưng Podolski, một niềm hy vọng mới.
2. Trong khi đó, Mancini trả lời phỏng vấn trong cuộc họp báo rằng ông “vô cùng thất vọng” khi cho đến giờ phút này Man City vẫn chưa mua thêm cầu thủ nào. Và khi bị các phóng viên dồn dập hỏi về chuyện mua Van Persie của Arsenal, HLV người Italia láu cá đẩy quả bóng về phía GĐBĐ Brian Marwood của Man City bằng câu trả lời “Câu hỏi của các vị nên dành cho người chịu trách nhiệm. Đó chẳng phải trách nhiệm của tôi”.
Ai cũng biết, ở Man City, Mancini như “thái tử” của Mansour vậy. Báo chí Anh từng mổ xẻ rằng ông chơi thân “vượt cấp” với giới chủ và chẳng coi đám điều hành ở CLB ra cái “mẻ” gì. Chính vì lẽ đó, cùng với thành tích ở Premiership vừa rồi, sự hờn dỗi của Mancini về chuyện các quan chức Man City chưa mua được thêm ai, đặc biệt là Van Persie, chính là động thái để giới chủ phải “đằng hắng” một tiếng khiến Marwood chạy bở hơi tai trong thương vụ Van Persie trong nay mai nếu không muốn M.U hay Juve cuỗm mất Vua phá lưới Premier League 2011/12.
3. “Tăng cường lực lượng là vô cùng quan trọng, nhất là khi mùa bóng này sẽ nhiều áp lực hơn”, Mancini đã nói như vậy, và nói đúng. Song, nó đúng với trường hợp của Arsenal hơn là với Man City.
Thử hỏi, ở Premier League hôm nay, đội bóng nào có hàng công mạnh nhất, khủng nhất? Man City và chỉ Man City. Với một đội bóng sở hữu 3 tiền đạo đẳng cấp Balotelli, Tevez, Aguero cùng những ngôi sao tấn công khác như Nasri, Silva…, có lẽ, chuyện tăng cường thêm chỉ mang tính chất “doạ” đối thủ không hơn không kém. Giả sử, Wenger hay Fergie có được 5 cái tên đó trong tay, có lẽ họ sẽ vô địch Premier League không vất vả như Mancini ở mùa vừa rồi. Vậy mà Mancini vẫn đòi hỏi, đòi hỏi và đòi hỏi. Điều đó đặt ra câu hỏi cho chính ông rằng “Ong có phải là một HLV tài năng hay không?”.
Wenger có thể vẫn còn trắng tay nhưng những gì ông làm được ở Arsenal là không thể phủ nhận. Một đội hình như thế mà vẫn lọt vào Top 4 Premier League, phải nói là kỳ tích. Năm nay là năm đầu tiên kể từ sau đợt thắt lưng buộc bụng cho việc xây sân, Wenger mới được rộng tay mua hai cái tên gọi là “oách” trên hàng công. Và ông mua cả Giroud lẫn Podolski cũng chỉ vì đoán trước được việc Persie sẽ ra đi, như kiểu Nasri năm ngoái.
Mua để lường trước được như Wenger mới là giỏi. Còn mua để rồi về sử dụng không đẹp lòng nhau rồi giữa mùa thầy trò lôi nhau lên báo chửi bới thoá mạ như Mancini thì dễ lắm…
Và đêm nay, cũng có thể Wenger thua Mancini lắm. Nhưng xét cả tổng thể của cuộc chơi, nhất là trong việc điều hành một CLB, Mancini vẫn còn sau lưng Wenger một quãng đường rất xa…