Lăng Kính: Bài học 30 năm trước
1. Áp lực ở sân Highbury thời đó chưa nặng nề như ở Emirates bây giờ. Arsenal dưới thời HLV Terry Neill là một đội bóng mạnh, chứ không phải là một ông lớn nắm giữ nhiều kỷ lục như Arsenal thời Wenger. Trong nhiệm kỳ của Neill, Arsenal chỉ 3 lần giành quyền dự cúp châu Âu, có 1 chiếc Cúp FA, và lọt vào chung kết Cúp C2 năm 1980.
Nhưng mùa giải 1982/83 thất bát ấy cũng đã tạo ra sự hoảng loạn. Tháng 6/1983, HLV Neill mua về tiền đạo Charlie Nicholas với giá “khủng” thời ấy là 800.000 bảng từ Celtic. Hai đại gia Liverpool và Man United, giàu có hơn Pháo thủ rất nhiều, đều muốn có Nicholas, người đã ghi 50 bàn cho Celtic ở mọi đấu trường mùa trước. Nhưng Arsenal quyết phá két. Nicholas trở thành cầu thủ nhận lương cao nhất nước Anh thời ấy khi về Highbury.
Áp lực của một hợp đồng đắt giá khiến cho Nicholas không thể thi đấu đúng phong độ. Anh trở thành một hình mẫu tương tự như Fernando Torres ở Chelsea bây giờ. Tháng 12/1983, HLV Terry Neill bị sa thải sau 8 năm gắn bó với CLB.
2. Ở đâu đó trên mặt báo bây giờ, bạn sẽ đọc được những dòng tin về việc Arsenal đang quyết chi đậm để mua về một tiền đạo đắt giá. Đó có thể là Cavani (Napoli) hoặc Falcao (Atletico Madrid), những cầu thủ có giá trị bằng cả một kỳ chuyển nhượng thông thường của ông Wenger.
Đúng là Arsenal đang thiếu một tiền đạo cắm đẳng cấp. HLV người Pháp không có cách nào lấp đầy chỗ trống mà Robin van Persie để lại. 2 bàn thắng Giroud ghi được vào lưới Fulham chưa đủ để xóa đi ấn tượng mờ nhạt anh để lại từ đầu mùa. Podolski, Cazorla hay Walcott đều không phải tiền đạo.
Nhưng liệu việc dốc tiền mua về một siêu sao hàng công đắt tiền, chưa biết sẽ nối gót các kỷ lục gia Torres, Carroll hay hiệu quả được như Van Persie, Demba Ba, liệu có phải là giải pháp trong lúc này?
Arsenal đang khủng hoảng. Nhưng không có nghĩa là họ phải tạo ra một cuộc cải cách bạo liệt bằng rất nhiều tiền. Trên thực tế, lịch sử chỉ ra rằng việc cố giải quyết khủng hoảng vội vã bằng tiền không đem lại hiệu quả.
Câu chuyện đã diễn ra 30 năm về trước tại chính Arsenal là một ví dụ. Trong thời gian gần đây, người ta có thể tìm thấy các cuộc “cải cách” tốn kém nhưng thất bại theo cách tương tự ở Real Madrid thời chủ tịch Ramon Calderon hay ở Chelsea sau khi Jose Mourinho ra đi.
3. Arsenal cần hướng tới TTCN để tìm sự thay đổi. Nhưng mọi thứ sẽ không diễn ra theo kiểu của Real hay Chelsea, mà vẫn phải là một quá trình xây dựng cẩn thận từ dưới lên trên. Đã đến lúc ông Wenger thay đổi triết lý của mình, nhưng không phải là 180 độ.
Một trung vệ tốt và một tiền vệ phòng ngự tốt, có thể sẽ thay đổi Arsenal theo hướng tích cực hơn một siêu tiền đạo. Arsenal, ngay cả khi còn sở hữu những Van Persie hay Adebayor, vẫn có thể trắng tay vì những sơ sểnh không đáng có nơi tuyến sau.
Người ta có xu hướng nghĩ rằng thất bại của Arsenal đến từ việc họ bỏ tiền mua nhiều cầu thủ giá trung bình thay vì mua một cầu thủ giá cao, nên cần làm ngược lại. Thực ra thất bại ấy đến từ nhiều tính toán sai lầm, chứ không chỉ có một.
Việc sửa chữa sẽ phải được thực hiện sau nhiều bước. Còn một hợp đồng như Lavezzi hay Falcao, biết đâu lại chẳng chấm dứt nhiệm kỳ của ông Wenger như chuyện đã xảy ra với Terry Neill?