
Đã có quá nhiều phân tích về M.U trong hai tuần qua, suốt từ khi họ thua Bilbao ở trận lượt đi vòng knock-out Europa League. Sau trận cầu hủy diệt diễn ra tại Molineux đêm qua, có lẽ lên dành chút thời gian để nói về kẻ thua cuộc: Wolverhampton. Câu chuyện riêng của đội bóng này sẽ kể cho ta được nhiều điều về Premier League.
Họ đã thua một trận đấu đầy bạc nhược. Và đây đã là vòng thứ 3 liên tiếp Wolves thua theo cách ấy: đến Fulham cũng có thể “làm tình làm tội” thày trò Terry Connor với 5 bàn không gỡ, thì tỷ số trước M.U là bao nhiêu cũng không đáng ngạc nhiên.
Nhưng đáng nói nhất là cái đội bóng tội nghiệp ấy lại là một trong số rất ít những CLB thuộc giải đấu này đang làm ăn có lãi. Báo cáo tài chính của Wolves trong tài khóa 2011, được công bố cách đây 2 tuần cho thấy họ đã lãi 2,2 triệu bảng. Một con số khiêm tốn, trong ấn tượng về Premier League hào nhoáng. Nhưng thực chất lại là một kỳ tích phi thường.
Hãy ngước lên phía trên BXH, và nhìn vào báo cáo tài chính của những CLB hạng trung đang gây ấn tượng mạnh ở mùa giải này. Everton: lỗ. Sunderland: lỗ. Fulham: lỗ. Ngay cả một Swansea với cung cách chi tiêu eo hẹp, với vị trí thứ 8 đang được ca ngợi như một kỳ tích cá nhân của HLV Brendan Rodgers, cũng lỗ 8,2 triệu bảng.

2. Với phong độ hiện tại, khả năng ở lại Premier League của Wolves là vô cùng mong manh. Cứ như thể một ẩn dụ: muốn kiếm chút thành tích ở đây, đừng hy vọng làm ăn có lãi. Wolves trở thành một cánh chim lạc loài.
Đến Swansea, một biểu tượng của khả năng “chịu thương chịu khó” với các tên tuổi khiêm tốn và nổi tiếng vì vũ khí tinh thần, vẫn phải nghiến răng trở thành một tay “Chí Phèo”, chịu lỗ để duy trì một đội hình có sức chiến đấu, thì có vẻ chẳng ai có thể làm “người lương thiện” ở giải đấu này.
Đó là một câu chuyện đã cũ. Nhưng một ngày thê thảm của Wolves là cái cớ tốt để kể lại chuyện ấy. Trước khi trách Ronald Zubar vì chiếc thẻ đỏ anh phải nhận ở hiệp 1, phải nhớ rằng một năm lương của Chicharito, cầu thủ chẳng phải hàng “bề trên” của M.U cũng mua được 2 hậu vệ như Zubar. Có thực mới vực được đạo.
3. Nơi hào nhoáng nhất không phải nơi dễ sống nhất. Bất kỳ ai đã từng vật lộn mưu sinh ở các đô thị lớn và khắc nghiệt đều hiểu rằng sự tráng lệ không dành cho tất cả mọi người.
Tokyo là thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, nhưng theo điều tra của Mercer, nó chỉ là thành phố có chất lượng sống cao thứ 40. Lý do? Có lẽ là bởi thủ đô nước Nhật thống trị mọi BXH về thành phố đắt đỏ nhất hành tinh. Đài Bắc là một ví dụ khác: thành phố có GDP đầu người cao thứ nhì thế giới nhưng xếp thứ 85 về chất lượng sống.
Đó là một nghịch lý rất dễ hiểu. Chuyển đến sống ở một nơi như Tokyo, Đài Bắc hay Premier League giống như một canh bạc lớn. Hoặc vượt ra ngoài những nguyên tắc sống thông thường của một con người, từ cường độ làm việc, cách suy nghĩ cho đến… sự lương thiện, hoặc chịu một số phận đáng thương. Như Wolves hay hàng nghìn người quyên sinh ở Tokyo mỗi năm.
Premier League cần một sự thay đổi “nào đó” – những nhà lãnh đạo bóng đá Anh đã đưa ra thông điệp ấy suốt từ nửa thập kỷ nay. Nhưng đến hôm nay, đó vẫn là một mảnh đất quái đản với đầy những số phận đáng thương.
Bongdaplus.vn