Nó cũng giống hình ảnh bùng nổ của Adebayor hồi chân sút người Togo này còn mặn nồng với Arsenal hay thời anh mới được “tháo cũi sổ lồng” sang Tottenham. Ấy là khi những ngôi sao đến từ lục địa đen được cháy hết mình vì đội bóng. Ấy là khi họ không phải vướng bận gì tới những vấn đề trong phòng thay đồ.
Hình ảnh ấy đối lập hoàn toàn với những lần hậu trường Chelsea nổi sóng bởi chuyện cầu thủ cố ý “đá bay ghế” HLV. Nó cũng khác hẳn với khi Adebayor vật vã với cuộc chiến nhắm vào HLV Mancini vì bị thất sủng tại Man City. Lối chơi của các cầu thủ châu Phi thiên về bản năng và dựa nhiều vào cảm hứng. Thế nên đừng mong đôi chân họ thanh thoát chừng nào cái đầu vẫn còn vướng vào những cuộc đấu đá hậu trường mà họ trực tiếp hay gián tiếp liên quan.
Có lẽ sẽ là quá khắt khe nếu vội quy kết những ngôi sao đen ở Premiership quá ích kỷ mỗi khi sóng gió hậu trường các đội bóng Anh nổi lên. Dù bận cùng Chelsea chinh chiến tại Champions League và Premiership, Drogba vẫn dành thời gian lập quỹ từ thiện mang tên mình. Anh còn chi tới 3 triệu bảng xây bệnh viện tại quê nhà Abidjan (BBN). Đồng đội của Drogba tại Chelsea, Michael Essien cất công kêu gọi hàng loạt hảo thủ như Samuel Eto’o, John Terry, Ashley Cole, Kolo Toure và các huyền thoại cỡ Roger Milla, Abedi Pele, George Weah tham gia trận cầu từ thiện do anh đứng ra tổ chức. Adebayor trực tiếp đi làm từ thiện tại nhiều tỉnh nghèo ở Togo và Ghana. Nghĩa là họ vẫn đều có trách nhiệm với cái chung.
Điều quan trọng là những ông thầy của họ phải biết cách khơi dậy tinh thần trách nhiệm ấy cũng như khắc chế bản năng “nổi loạn” trong họ. Như trường hợp của Droga hiện nay, đầu đã thông thì chân sẽ thoáng.
Bongdaplus.vn